Viện Y tế và Xã hội Hàn Quốc vừa công bố nghiên cứu trên 14.000 người trưởng thành trong độ tuổi 12-49 để điều tra về xu hướng những người độc thân vẫn phải sống phụ thuộc vào gia đình, hôm 13/10. Kết quả cho thấy 49,7% người ở độ tuổi 30 và 48,8% người ở độ tuổi 40 (tham gia khảo sát) vẫn chưa kết hôn và số cùng cha mẹ.
Nguyên nhân của thực trạng này là do độc thân và điều kiện kinh tế eo hẹp.
Choi Seon Yeong, người chủ trì nghiên cứu cho biết tỷ lệ những người 30-40 tuổi không sống riêng vì chưa kết hôn ngày càng tăng. Điều này khiến họ vẫn giữ tâm lý lệ thuộc, ăn bám bởi có người thân sống bên cạnh. Cũng theo báo cáo, hiện có 30% người Hàn Quốc trong độ tuổi 19-49 tuổi sống cùng cha mẹ, nhưng khi thu hẹp khảo sát trong phạm vi "những người chưa kết hôn", con số này lên đến 62,4%.
Một số vấn đề liên quan đến công việc, quá trình học tập cũng khiến họ quyết định gắn bó với gia đình thay vì sống độc lập.
Theo Choi, ngoài độc thân, tình hình tài chính cũng là lý do khiến nhóm người này không chịu rời gia đình. Nghiên cứu chỉ ra những người có thu nhập cao có xu hướng độc lập hơn, do vậy, khả năng kinh tế rất hạn chế của những người trong gia đình cũng ảnh hưởng đến quyết định sống chung hay riêng.
Ở cả hai nhóm tuổi 30 và 40, phụ nữ có tỷ lệ sống cùng cha mẹ cao hơn, trên 50%. Con số này ở nam giới là 47,6%.
Nhưng chính tâm lý bao bọc của phụ huynh cùng thúc đẩy xu hướng này phát triển. Song Jung-hyun, 36 tuổi và Nang Yoon-jin, 33 tuổi, đều là giáo viên một trường trung học cơ sở ở Seoul, có thể tự chủ tài chính, đủ điều kiện ở riêng nhưng cha mẹ của họ cho rằng phụ nữ chỉ nên chuyển ra ngoài khi kết hôn.
Song nói, với nhiều người việc sống cùng gia đình là cực hình, nhưng cô lại hài lòng, khi nhận thấy những lợi ích thiết thực. Cô vẫn được mẹ nấu ăn sáng, chi trả toàn bộ phí sinh hoạt. Mọi thứ không có nhiều thay đổi so với thời sinh viên, ngoài việc cô đã đi làm và có thể tiền tiết kiệm. Không những vậy, cô còn được bố mẹ dọn dẹp phòng ngủ, giặt giũ quần áo và đưa ra những lời khuyên trực tiếp. "Ngược lại khi bố mẹ già đi, tôi có thể chăm sóc họ dễ dàng hơn. Họ cũng thường nói không dám tưởng tượng việc sống thiếu tôi", Song nói.
Lee Chul-hee, Giáo sư kinh tế Đại học Quốc gia Seoul, lưu ý rằng nền kinh tế Hàn Quốc đang khiến việc đạt được sự độc lập về tài chính và cuộc sống riêng mình trở nên khó khăn hơn đối với thế hệ trẻ.
"Giá nhà ở các thành phố lớn bao gồm cả Seoul đã tăng mạnh kể từ năm 2000, trong khi thị trường việc làm trở nên không ổn định, với số lượng việc làm tạm thời ngày càng tăng. Tất cả những yếu tố này khiến những người ở độ tuổi 30 và 40 khó khăn hơn nhiều trong việc dọn ra khỏi nhà của cha mẹ và tự lập", ông Lee nhận định.
Minh Phương(Theo koreaherald, NBCNews)