Thị trường chứng khoán trong nước phiên giao dịch ngày 20/3 diễn biến tiêu cực trước sự suy yếu của dòng tiền và tâm lý bất ổn của nhà đầu tư khi đối mặt với những rủi ro khủng hoảng trên toàn cầu. Kết phiên, chỉ số VN-Index đóng cửa giảm 22,04 điểm (-2,11%) còn 1.023,1 điểm. Đây cũng là mức giảm mạnh nhất mà chỉ số VN-Index ghi nhận kể từ đầu tháng 3.
Trong đó, HNX-Index giảm 2,85 điểm (-1,39%) về 201,62 điểm và UPCoM-Index giảm 0,41 điểm (-0,53%) về 76,02 điểm.
Cùng với đà lao dốc của thị trường chứng khoán, mã cổ phiếu TPB của Ngân Hàng TMCP Tiên Phong cũng ghi nhận mức giảm 1.200đ/cổ phiếu tương đương mức giảm 5,26%. Đây là mã cổ phiếu ngân hàng ghi nhận mức giảm mạnh nhất trong phiên giao dịch ngày 20/3.
Ông Đỗ Anh Tú và hai người con được nhận hơn 400 tỷ đồng từ đợt chia cổ tức của TPB
Phiên giao dịch 20/3 cũng là ngày giao dịch không hưởng quyền nhận cổ tức 25% bằng tiền mặt của cổ phiếu TPB (TPBank). Theo kế hoạch được đại hội đồng cổ đông thông qua, TPBank sẽ thực hiện trả cổ tức 2.500 đồng/cổ phiếu cho các cổ đông có trong danh sách vào ngày chốt quyền.
Với gần 1,582 tỷ cổ phiếu đang lưu hành và không có cổ phiếu quỹ, ước tính TPBank sẽ chi khoảng 3.955 tỷ đồng để trả cổ tức cho cổ đông. Nguồn chi trả sẽ lấy từ lợi nhuận chưa phân phối còn đến năm 2021, sau khi trích lập các quỹ theo Báo cáo tài chính đã kiểm toán.
Với đà giảm sâu của TPB trong phiên giao dịch ngày 20/3, khối tài sản trên sàn chứng khoán của 3 cha con đại gia Đỗ Anh Tú - Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị TPB ghi nhận mức giảm hơn 192 tỷ đồng. Tuy nhiên, với việc đang sở hữu tổng cộng hơn 160 triệu cổ phiếu TPB, ông Đỗ Anh Tú cùng hai người con là Đỗ Minh Quân và Đỗ Quỳnh Anh cũng nhận được số tiền hơn 400 tỷ đồng từ đợt chia cổ tức này của TPB.
Tính theo giá thị trường kết phiên giao dịch ngày 20/3, khối tài sản ông Đỗ Anh Tú cùng hai người con đang trực tiếp nắm giữ trên sàn chứng khoán có giá trị hơn 3.450 tỷ đồng. Trong đó, ông Đỗ Anh Tú trực tiếp nắm giữ khối tài sản trị giá hơn 1.266 tỷ đồng, người con trai Đỗ Minh Quân nắm giữ khối tài sản trị giá hơn 1.141 tỷ đồng và người con gái Đỗ Quỳnh Anh nắm giữ khối tài sản hơn 1.048 tỷ đồng.
Sau phiên giảm mạnh của thị trường chứng khoán Việt Nam, nhận định về xu hướng giao dịch phiên 21/3, chuyên gia của công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC) dự báo các chỉ số có thể sẽ tiếp tục quán tính giảm điểm trong phiên sáng để VN30 kiểm định vùng hỗ trợ tại 1.010 điểm trong khi VN-Index kiểm định hỗ trợ tại khu vực 1.010-1.020 điểm.
Theo VCSC, nếu lực bán ra không quá mạnh và được hấp thụ tốt bởi lực cầu giá thấp, VN-Index có thể sẽ thu hẹp mức giảm, thậm chí hồi phục kỹ thuật về phía cuối ngày với kháng cự hiện đang là mốc 1.038 điểm. Ngược lại, nếu lực bán tiếp tục gia tăng và khiến VN-index đóng cửa dưới mốc 1.010 điểm, chỉ số có thể sẽ giảm về mốc 985 điểm hoặc thấp hơn là 950-955 điểm.
Chuyên gia của CTCK Vietcombank (VCBS) nhận định về góc nhìn kỹ thuật, VN-Index tạo nến đỏ giảm điểm về dưới đường trung bình động MA20 cho thấy diễn biến tiêu cực của thị trường. Bên cạnh đó, các chỉ báo đều đồng loạt cho tín hiệu tiêu cực báo hiệu cho nhịp giảm vẫn chưa có dấu hiệu chững lại.
Xét về khung đồ thị ngày, chỉ báo ADX và DI- đang có xu hướng tăng cao thể hiện cho việc giảm điểm của thị trường vẫn còn có thể kéo dài. Ngưỡng hỗ trợ gần nhất của thị trường hiện tại vẫn đang là vùng điểm 1.015-1.025 điểm
Nếu tình hình không được cải thiện và chỉ số chung giảm dưới khu vực này thì khi đó rủi ro sẽ ở mức báo động.
VCBS tục khuyến nghị các nhà đầu tư chủ động đưa tỷ lệ tài khoản về mức an toàn, để có thể hạn chế tối đa rủi ro khi thị trường giảm điểm trong ngắn hạn thay vì việc giải ngân bắt đáy sớm ở các vùng hỗ trợ.
Chuyên gia của CTCK KB Việt Nam (KBSV) cũng cho rằng chỉ số VN-Index đang đứng trước rủi ro tiếp tục mở rộng quán tính giảm điểm trong phiên tới và lùi xuống ngưỡng hỗ trợ gần là 1.015-1.020 điểm và sâu hơn là 1.000 điểm nhằm tìm kiếm lực cầu bắt đáy. Nhà đầu tư được khuyến nghị gia tăng tỷ trọng trading khi giá của các cổ phiếu mục tiêu về quanh ngưỡng hỗ trợ.