Danh nhân vĩ đại luôn sống mãi với những triết lý và bài học đã để lại cho hậu thế. Họ như vầng trăng soi sáng và dẫn lối cho người đời từ xưa đến nay.
Gia Cát Lượng là nhà quân sự kiệt xuất, sở hữu trí thông minh đại tài được người người công nhận. Tư liệu thành sách của ông để lại cho hậu thế không quá nhiều, nhưng từng câu từng chữ đều chứa đựng sự tinh túy và tri thức cao thâm về đạo làm người, dùng người và nhìn người. Hậu nhân có thể thấm nhuần những bài học của ông thì có thể ngộ ra được đạo lý cả đời.
Hãy bình tâm để chiêm nghiệm 3 câu nói sau đây, mỗi một câu đều là chân lý có tác dụng rất lớn dành cho mỗi người:
1. Không bình thản thu tâm thì không thể sáng suốt, không biết giữ chữ “tịnh” trong đầu thì không thể đi xa.
Khi nói ra câu này, Gia Cát Lượng đã 54 tuổi, viết “Giới tử thư” gửi cho con trai 8 tuổi của mình. Ý của câu này chính là: Nếu không biết bình thản trước danh lợi trước mắt thì không thể có chí hướng rõ ràng; không biết cách bình tĩnh học tập thì không thể thực hiện được mục tiêu trong tương lai.
Trong xã hội hiện đại, vật chất trở nên phong phú từng ngày, đồng thời lòng người cùng khó có được sự thỏa mãn, đủ đầy.
Một thứ dù nhỏ nhất cũng có thể kích thích tham vọng của con người, làm đảo lộn sự chuyên tâm của chúng ta đối với việc đang làm.
Thật ra, tham vọng của con người là vô cùng vô tận và nó sẽ khiến chúng ta bị mờ mắt, lạc lối.
Biết cách bình thản trước những tham vọng không cần thiết là bước quan trọng để chúng ta tìm đến cuộc sống hạnh phúc.
Gia Cát Lượng nói với chúng ta phải biết “an tĩnh”, chính là đè nén cái tâm để hành sự, không để tham vọng cực đoan lấn chiếm tâm hồn.
Khi đã rèn luyện được trái tim mạnh mẽ, chúng ta sẽ không bị thế giới phức tạp ngoài kia quấy nhiễu. Chỉ khi biết bình tâm, chúng ta mới có thể tỉnh táo để nhìn rõ mọi việc.
Nhiều lúc, con người thường dễ bị hoảng loạn khi phạm sai lầm, từ đó gây ra những chuyện tồi tệ hơn.
Trái tim điều hướng cuộc sống của con người, tâm loạn thì thế giới cũng loạn theo, đừng để chút chuyện vặt vãnh đả động đến tâm trí của bạn.
2. Muốn lợi thì phải nghĩ đến hại, muốn thành công thì phải nghĩ đến thất bại.
Câu này nói với chúng ta rằng: Muốn nhận được lợi ích thì trước hết phải suy xét đến phần hại của nó, muốn thành công chuyện gì thì phải biết dự đoán trước khả năng thất bại.
Chuyện gì cũng có hai mặt của nó. Thành công là một loại kết quả, thất bại cũng là một loại kết quả. Tiềm ẩn phía sau thành công là vô số những lần thất bại, mà trải qua những thất bại mới có được thành công.
Trong cuộc sống, con người thường thích nghe những lời êm tai, không thích nghe những câu không thuận lòng, từ đó dẫn đến sự hạn hẹp trong tư tưởng và tri thức.
Làm chuyện gì cũng phải suy xét chu toàn, lợi và hại đều đi đôi với nhau. Trước khi làm chuyện gì đó, con người phải biết suy nghĩ đến liệu bản thân có thể tiếp nhận được thất bại hay không.
Con người muốn sống tốt thì phải rèn luyện được khả năng phòng bị, biết cách cân bằng giữa lợi và hại để tìm ra sự lựa chọn tối ưu nhất.
3. Khởi đầu của chuyện lớn lúc nào cũng gian nan, chuyện nhỏ nhặt thì đương nhiên dễ dàng trăm phần.
Câu nói khuyên chúng ta nên bắt đầu làm những chuyện nhỏ để tích lũy từ từ, có như vậy mới dễ dàng thành công.
Cổ nhân nói: “Đường không đi bước nhỏ, khó thành nghìn dặm vạn lý; nước không chảy dòng nhỏ, khó thành biển cả mênh mông”.
Cuộc sống của con người được tạo nên từ những điều nhỏ nhặt. Làm chuyện nhỏ một cách thành thục rồi mới đi làm chuyện đại sự.
Nhiều người chỉ thích làm chuyện lớn mà xem thường chuyện nhỏ. Thế nhưng họ chưa ý thức được, một điều nhỏ nhoi cũng có thể phá hủy cả tổng thể to lớn.
Tận tâm tận lực trong mọi chi tiết nhỏ là bí quyết của thành công. Người có đức luôn hành sự cẩn trọng từng chút một, làm một bước chắc một bước, thành công nằm trong tầm tay.
Không thể nghiêm túc làm chuyện nhỏ thì làm sao có thể hoàn thành đại sự.
(Nguồn: Zhihu )