Đã 28 năm nay, người dân ở ngõ 225 đường Xương Giang, phường Ngô Quyền quen với hình ảnh người đàn ông xuất hiện bên đường ngang dân sinh cắt qua tuyến đường sắt Hà Nội - Lạng Sơn, mỗi khi có tàu chuẩn bị chạy qua.
"Ngoài những chuyến tàu khách có giờ giấc cố định, tàu hàng thì không biết khi nào chạy qua nên chuyện phải bỏ dở bữa cơm là bình thường", ông Kiều Văn Phúc, 62 tuổi, nói.
Đường ngang dân sinh này nằm trong khu vực có lưu lượng giao thông rất đông do gần hai trường học cấp 2 và cấp 3, ngay đối diện ngõ 225 là bến xe khách Bắc Giang nên tình hình giao thông lại càng phức tạp. Trong khi đó, đoạn đường tàu này lại không hề có barie, rào chắn hay nhân viên đường sắt làm nhiệm vụ cảnh báo.
Năm 1994, vợ chồng ông Phúc mở quán bún ngay đầu ngõ để cải thiện thu nhập. Từ ngày bán hàng, ông chứng kiến rất nhiều vụ tai nạn thương tâm do sang đường thiếu quan sát. Vậy là với chiếc quạt nan để quạt chả, người đàn ông từng là lính thông tin tự nguyện trở thành người đứng ra cảnh báo mỗi khi thấy có tiếng còi tàu.
"Khi đó, tôi chỉ nghĩ đơn giản, tại sao mình có điều kiện là nhà gần đó, lại tiện trông quán ăn luôn, mà không tự nguyện đứng ra canh gác, cảnh báo cho người ta khỏi nguy hiểm khi tàu đến", ông bộc bạch.
Nhưng việc làm này của ông Phúc lúc đó gây bất ngờ cho nhiều người. Người ta thắc mắc "không hiểu sao lại đi làm cái việc ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng thế". Người đàn ông 62 tuổi kể, không ít lần làm ơn mắc oán. Có lần ông chạy ra kéo tay một phụ nữ đang định băng qua đường sắt, bị mắng xối xả vì tưởng là "kẻ biến thái". Chỉ khi đoàn tàu sầm sập chạy qua người đó mới hiểu lý do và quay sang cảm ơn rối rít.
Gần 30 năm tình nguyện làm gác chắn đường tàu, ông Phúc không nhớ đã cứu mạng bao nhiêu người. Gần đây nhất, anh Triệu Văn Ngọc, chủ một gara ôtô ở phường Ngô Quyền, ngồi sau xe máy em gái, vì trời tối nhập nhoạng không biết có tàu đang tới nên cứ thế định băng qua.
"Lúc đó, từ đằng sau chú Phúc hét toáng lên, lao ra phía trước giữ chặt tay lái. Hai anh em mới nhận ra tàu đang lao đến", anh Ngọc kể. Từ hôm đó, anh coi ông Phúc như ân nhân, người thân trong gia đình, thi thoảng ghé qua thăm.
Những người được ông Phúc cứu có cả một cán bộ làm trong ngành đường sắt tên Tiến. Lần đó, ông Tiến đi xe đạp qua đường sắt. Dù biết tàu sắp tới, ông muốn dừng lại nhưng chiếc xe mất phanh. Ông Phúc lao tới kéo chiếc xe đạp lùi lại đúng lúc đoàn tàu chạy tới. Quá xúc động vì thoát chết ngay trước lưỡi hái tử thần, ông Tiến lao đến ôm ông Phúc, khóc nức nở. Ngày 30 Tết năm ấy, cả nhà ông Tiến đến thăm gia đình ông Phúc, nói lời cảm tạ.
Nhiều năm "vác tù và hàng tổng" nên người dân quanh khu vực hiểu ông Phúc hơn. Có người sang đường xong còn dừng xe máy xuống bắt tay, cảm ơn và biếu tiền. Có người mang tặng đồng phục để ông mặc khi làm việc cho dễ nhận biết.
Bà Hồng, người bán nước trước cổng bến xe khách Bắc Giang, cho biết khi ông Phúc chưa đứng ra làm cảnh báo, tai nạn chết người xảy ra rất nhiều. "Những vụ tai nạn thương tâm ảnh hưởng rất nhiều đến tôi và nhiều hộ kinh doanh ăn uống bên cạnh bến xe vì mọi người ám ảnh không dám qua lại. Từ khi có ông Phúc làm cảnh giới, số vụ giảm đi đáng kể, con cháu chúng tôi đi học qua đây cũng rất yên tâm", bà Hồng nói.
Bà Nguyễn Thị Tần, phó chủ tịch phường Ngô Quyền xác nhận, ông Phúc đã tự nguyện làm công việc cảnh giới đường tàu tại đây trong một khoảng thời gian rất dài và liên tục cho tới nay. "Cuối năm 2019, thông qua tổ dân phố số 8 giới thiệu, phường đã ký hợp đồng cảnh giới lối đi dân sinh qua đường sắt tại ngõ 225 với ông Kiều Văn Phúc cùng mức chi trả 2 triệu đồng một tháng", lãnh đạo phường cho biết.
Gần ba mươi năm làm việc tại đây, ông Phúc cho biết đã thuộc lòng những khung giờ những chuyến tàu qua đây, thậm chí có thể nhận ra loại tàu nào sắp đi qua nhờ tiếng còi từ xa.
"Khi được ký hợp đồng, tôi có thêm động lực và nhận thấy cần có trách nhiệm hơn nữa với công việc. Nhưng kể cả không được trả công, chỉ cần còn sức khỏe, đôi mắt tinh, cái miệng tốt là tôi tiếp tục chiến đấu", ông cười nói.