Diễn biến âm thầm nhưng có thể phòng ngừa
PGS.TS Phạm Cẩm Phương, Giám đốc Trung tâm Y học Hạt nhân và Ung bướu (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, trong quá trình điều trị cho bệnh nhân ung thư đã gặp không ít trường hợp bệnh nhân mắc ung thư gan khi còn quá trẻ đã ở giai đoạn muộn không thể can thiệp điều trị được.
Đó là trường hợp, sinh viên 20 tuổi đang theo học Trường Đại học ở Hà Nội. Trước vào viện 2 tuần, bệnh nhân thường bị đau tức hạ sườn phải. Tuy nhiên, bệnh nhân không đi khám vẫn cố chịu đau.
Khi bệnh nhân đau quá không chịu được được mới tới khám tại bệnh viện. Kết quả khám bệnh cho thấy bệnh nhân có khối ung thư gan thể thâm nhiễm lan rộng toàn bộ gan, kèm theo viêm gan B, men gan tăng cao, chất điểm điểm khối u tăng rất cao.
Do bệnh nhân tới viện đã ở giai muộn nên không thể can thiệp điều trị bệnh ung thư gan mà chỉ điều trị triệu chứng giảm đau. Sau đó, bệnh ung thư của bệnh nhân tiến triển nhanh khoảng 2 tuần sau đã vàng da, tắc mật và mấy tuần sau thì bệnh nhân đã tử vong.
Bác sĩ Phương cho biết, ung thư gan thường hiếm xảy ra ở người trẻ. Đối với những trường hợp người trẻ tuổi mắc ung thư gan thường trên nền xơ gan do có viêm gan mãn tính mà không được phát hiện.
Chuyên gia lưu ý đối với ung thư gan, triệu chứng diễn biến âm thầm nhưng có thể phát hiện bất thường qua siêu âm, một xét nghiệm không xâm lấn có thực hiện ở y tế tuyến huyện. Nếu phát hiện bất thường nên đi khám chuyên sâu. Đối với người có nguy cơ cao thì nên tuân thủ theo lịch khám của bác sĩ chuyên khoa để kiểm soát tình trạng viêm gan mạn tính.
Ung thư gan, ảnh minh hoạ.
"Trong gia đình nếu tình cờ phát hiện ra người mắc viêm gan B thì tất cả các thành viên khác cũng nên đi khám bệnh. Việc kiểm soát tốt viêm gan sẽ giúp hạn chế xơ gan, ung thư gan cũng như khi đi khám bệnh định kì thì sẽ phát hiện sớm được các tổn thương bất thường".
Trước câu hỏi mắc ung thư gan khó sống qua khỏi 6 tháng - điều này có đúng không, PGS Cẩm Phương khẳng định: "Điều này hoàn toàn không đúng, bệnh nhân ung thư gan nếu phát hiện sớm điều trị đáp ứng tỷ lệ sống trên 5 năm lên tới 70-80%.
Nhật Bản là một những nước rất thành công trong việc phát triện ung thư gan ở giai đoạn sớm. Các nghiên cứu chỉ ra gần 90 % các bệnh nhân mắc ung thư gan được phát hiện khi kích thước khối u dưới 3cm. Đó là nhờ tại Nhật có những chương trình tầm soát ung thư gan ở nhóm nguy cơ cao (6 tháng/lần) và rất cao (3 tháng/lần).
Tại Việt Nam thì ngược lại chỉ có khoảng 20% bệnh nhân ung thư gan được phát hiện sớm còn lại là ở giai đoạn trung gian, giai đoạn muộn, do đó tiên lượng cũng xấu hơn. Do vậy dân gian vẫn thường đồn ung thư gan thì nhanh chết, nhưng không biết được bệnh nhân đến bệnh viện đã ở giai đoạn cuối".
Phòng ngừa: Phải giảm thiểu yếu tố nguy cơ gây bệnh
Theo PGS Cẩm Phương, nền y học Việt Nam đã cập nhật được các tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị ung thư gan trên thế giới. Từ phẫu thuật, ghép gan, đốt sóng cao tần, vi sóng hay nút mạch, xạ trị trong chọn lọc và các phương pháp điều trị toàn thân đã tiếp cận được với các tiến bộ tương đương thế giới.
Do vậy, khi chẳng may mắc ung thư gan thì người dân hoàn toàn yên tâm vào đội ngũ các bộ y tế tại Việt Nam đã chẩn đoán, đánh giá giai đoạn tốt và lựa chọn phương pháp điều trị tối ưu nhất cho bệnh nhân.
Tại Bệnh viện Bạch Mai chiều thứ 4 hàng tuần có Hội đồng hội chẩn bệnh lý ung thư đường tiêu hóa trong đó có ung thư gan. Các bệnh nhân chẩn đoán ung thư gan sẽ qua hội chẩn này để đánh giá người bệnh ở giai đoạn nào từ đó lựa chọn phương pháp điều trị tốt nhất cho bệnh nhân.
Theo bác sĩ Phương ung thư gan hoàn toàn có thể phòng ngừa được bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ. Và đặc biệt để tránh xa khỏi căn bệnh ung thư gan thì cần: Tiêm phòng vắc xin viêm gan B; Chế độ ăn hợp lý, không uống quá nhiều rượu, hạn chế dùng các loại thực phẩm gây hại cho gan như: hóa chất độc hại, nấm mốc…; Người có tình trạng gan nhiễm mỡ, viêm gan B, C, xơ gan cần phải điều trị các bệnh lý ổn định để hạn chế các biến đổi thành tổn thương ác tính.