Theo thống kê của Hiệp hội trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam (VBMA), lũy kế 6 tháng đầu năm 2022, có 241 đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ trị giá 155.569 tỉ đồng, chiếm 94,53% tổng giá trị phát hành.
Bên cạnh đó, thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng ghi nhận 17 đợt phát hành ra công chúng với giá trị 8.996 tỉ đồng (chiếm 5,47% tổng giá trị phát hành) và 2 đợt phát hành ra quốc tế của CTCP Tập đoàn Vingroup (Mã CK: VIC) trị giá 625 triệu USD.
Các tổ chức tín dụng tiếp tục dẫn đầu việc huy động vốn qua kênh trái phiếu với tổng giá trị 80.466 tỉ đồng, chiếm 48,9% tổng giá trị phát hành. Nhóm doanh nghiệp bất động sản đứng ở vị trí thứ hai với 42.583 tỉ đồng, chiếm 25,9%.
10 doanh nghiệp phát hành trái phiếu nhiều nhất trong nửa đầu năm 2022
Theo ghi nhận của VietTimes, top 10 doanh nghiệp có lượng trái phiếu phát hành lớn nhất trong nửa đầu năm 2022 đều là các ngân hàng và doanh nghiệp bất động sản.
Trong đó, có tới 7 ngân hàng góp mặt trong danh sách này, bao gồm: Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB), Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB), Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) và Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank).
Cụ thể, BIDV dẫn đầu với tổng giá trị trái phiếu phát hành đạt 14.505 tỉ đồng. Tiếp đến là Techcombank (10.950 tỉ đồng), MB (10.190 tỉ đồng), ACB (7.150 tỉ đồng), VIB (6.948 tỉ đồng), OCB (5.700 tỉ đồng), TPBank (4.999 tỉ đồng).
Ở nhóm doanh nghiệp bất động sản, CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc Nova (Novaland) phát hành nhiều nhất với tổng giá trị trái phiếu phát hành đạt 8.557 tỉ đồng. Theo sau là CTCP Đầu tư và Phát triển Eagle Side (3.930 tỉ đồng) và CTCP Air Link (3.810 tỉ đồng).
Một số doanh nghiệp phát hành trái phiếu lớn khác có thể kể đến như CTCP Xây dựng Kiến Hưng Thịnh (3.610 tỉ đồng), Ngân hàng TMCP Bắc Á (3.500 tỉ đồng), Ngân hàng TMCP Bưu Điện Liên Việt (3.500 tỉ đồng), CTCP WorldWide Capital (3.410 tỉ đồng). Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) và Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cùng phát hành 3.000 tỉ đồng trái phiếu.
Ngoài nhóm ngân hàng và bất động sản, một số doanh nghiệp khác cũng phát hành trái phiếu trong nửa đầu năm 2022, bao gồm: nhóm xây dựng (chiếm 10,32% tổng giá trị phát hành), nhóm xây dựng (chiếm 3,91%), nhóm chứng khoán (chiếm 2,03%) và khác (chiếm 8,97%).
Trong một báo cáo mới đây, bộ phận phân tích của CTCP Chứng khoán SSI (SSI Research) cho biết nhu cầu phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp dự kiến vẫn rất dồi dào trong bối cảnh nền kinh tế đang mở cửa trở lại sau đại dịch.
Mặt khác, số trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn trong năm 2022 – 2023 ước khoảng 540.000 tỉ đồng, chiếm 36% lượng trái phiếu đang lưu hành, dẫn đến nhu cầu phát hành trái phiếu để đảm bảo vòng quay vốn của các doanh nghiệp là rất lớn.
Trong khi đó, CTCP Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) dự báo có khoảng 123.400 tỉ đồng trái phiếu doanh nghiệp bất động sản đáo hạn trong năm 2022, chủ yếu là nhóm doanh nghiệp bất động sản không niêm yết (chiếm 84,5%).
"Các doanh nghiệp bất động sản sẽ khó khăn hơn trong việc huy động vốn trong vài quý tới, kết hợp với việc cần số tiền lớn nhằm phục vụ cho việc đáo hạn trong năm nay có thể làm gia tăng áp lực lên cân đối dòng tiền của các doanh nghiệp này", KBSV nhận định./.