UBND Tp.HCM vừa ban hành kế hoạch sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước trực thuộc UBND Tp.HCM đến hết năm 2025. Trong đó, có 10 doanh nghiệp sẽ được cổ phần hóa đến 2025, với tỷ lệ cổ phần nhà nước nắm giữ còn lại phổ biến mức 50-65%.
Ảnh: Danh sách các DN sẽ được cổ phần hoá.
Đơn vị duy nhất Tp.HCM sẽ giữ lại trên 65% vốn là Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (Satra). Đây cũng là doanh nghiệp có quy mô tài sản, lợi nhuận vượt trội so với những doanh nghiệp còn lại trong danh sách.
Tính đến cuối năm 2023, Satra có tổng tài sản và vốn chủ sở hữu lần lượt là 27.700 tỷ và 23.800 tỷ đồng.
Satra thường xuyên có lợi nhuận vài nghìn tỷ đồng mỗi năm, chủ yếu là lợi nhuận được hưởng từ việc nắm giữ 40% vốn của 2 liên doanh sản và phân phối bia Heineken tại Việt Nam.
Ngoài Satra, có 8 doanh nghiệp khác sau cổ phần hóa có vốn nhà nước chiếm tỷ lệ trên 50% đến dưới 65%. Đầu tiên là Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn (CNS), vốn điều lệ tính đến cuối năm 2023 hơn 3.091 tỷ đồng, tổng tài sản gần 4.666 tỷ. CNS là một trong những doanh nghiệp lớn nhất trong lĩnh vực sản xuất thuốc lá tại Việt Nam.
Các tổng công ty Bến Thành, Địa ốc Sài Gòn (Resco), Xây dựng Sài Gòn (Saigoncons)... là những doanh nghiệp sở hữu nhiều bất động sản, các công ty liên doanh liên kết lớn trong lĩnh vực bất động sản, khách sạn...
Resco hiện có 30% vốn trong khách sạn Sheraton Saigon, 16% vốn trong liên doanh Keppel Land Watco (Saigon Centre); Saigoncons có 30% vốn tại khách sạn Park Hyatt Saigon, 30% vốn tại cao ốc Metropolitan Tower. Tương tự Bến Thành cũng có vốn lớn tại khách sạn Sofitel Saigon và Renaissance Riverside Saigon.
Một doanh nghiệp lớn khác trong lĩnh vực sản xuất là Tổng công ty cơ khí Giao thông Vận tải Sài Gòn - SAMCO, một doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực ô tô. SAMCO sản xuất xe tải, xe khách mang thương hiệu SAMCO đồng thời có vốn góp tại các liên doanh Mercedes-Benz, Isuzu Vietnam...