Người lớn có thể tranh cãi với ai đó rồi sau đó làm lành mà không có vấn đề gì nhưng trẻ em không dễ dàng như vậy.
Cha mẹ có thể áp dụng 10 cách dưới đây để giúp trẻ giải quyết xung đột mà chúng gặp phải hàng ngày.
Giúp con xác định được cảm xúc của mình
Trẻ cũng có những cảm xúc giống người lớn, nhưng chúng không đủ vốn từ vựng để diễn đạt. Chúng sẽ thể hiện bằng những biểu hiện trên khuôn mặt, than vãn, thậm chí thông qua trò chơi. Bởi vậy, khi trẻ đối mặt với xung đột, việc cha mẹ cần làm là giúp chúng xác định được cảm xúc của mình.
Nên đặt câu hỏi liên quan đến cảm nhận của trẻ, tránh những câu hỏi mơ hồ mà phải cụ thể, chi tiết để các cảm xúc được lộ diện chính xác. Ví dụ "Chuyện gì đã xảy ra với con?" nhằm thu thập thông tin;"Con đang cảm thấy như thế nào?", giúp trẻ mô tả lại trạng thái của mình."Con muốn làm điều gì?", củng cố lại thông tin để biết được chính xác cảm xúc đó là gì thông qua nguyện vọng của trẻ. "Con có nghĩ là mình đang... (một từ mô tả cảm xúc) không?", nhằm cung cấp, hỗ trợ con trong việc đặt tên cảm xúc.
Tìm hiểu xem vấn đề xuất phát từ đâu
Sau khi xác định được cảm xúc, điều quan trọng là phải tìm hiểu xem điều gì đã gây ra cảm xúc đó. Ví dụ, trẻ có thể tức giận vì anh chị hay bạn bè không muốn chơi với chúng. Tuy nhiên, điều này có thể mang ý nghĩa sâu sắc hơn, ví dụ trẻ đang cảm thấy anh chị hoặc bạn bè không muốn chúng nữa hoặc tìm chơi với người khác và trẻ đánh giá bản thân đang bị thay thế.
Đề ra các giải pháp khả thi
Nếu trẻ cảm thấy quá bế tắc và cần sự giúp đỡ, bố mẹ nên đưa ra các gợi ý để con tự giải quyết. Đồng thời, cũng cần phát triển sự đồng cảm ở trẻ. Khi đứa trẻ biết đặt mình vào vị trí của người khác, chúng sẽ biết cách lắng nghe, có thêm những kỹ năng xã hội quan trọng khác.
Nhìn nhận mọi việc theo hướng tích cực
Với người lớn, việc hiểu được nguồn gốc của vấn đề là điều tự nhiên và đơn giản. Nhưng với một đứa trẻ, vì mâu thuẫn với một người bạn mà chúng có thể cảm thấy giống như ngày tận thế.
Bởi vậy, điều quan trọng là bố mẹ nên giúp trẻ nhìn nhận mọi thứ khách quan hơn, nhằm rèn luyện sự đồng cảm ở trẻ. Điều đó cũng giúp trẻ suy nghĩ kỹ càng hơn về bối cảnh, những gì người khác nói và ngoài những gì trẻ cảm thấy đã xảy ra.
Động não lên các ý tưởng
Sau khi trẻ giải thích vấn đề là gì, cha mẹ có thể dùng bảng đen và mời trẻ đưa ra ba ý tưởng về cách giải quyết vấn đề đó. Điều này sẽ giúp trẻ định hình được cách giải quyết xung đột một cách dễ dàng hơn.
Làm gương cho trẻ
Trẻ em thường bắt chước hành động của mọi người xung quanh, đặc biệt là từ bố mẹ bởi họ là những người gần gũi với chúng nhất. Vì vậy, cha mẹ cần cẩn trọng các hành động của mình trước mặt con cái, dạy trẻ cách đối mặt với mọi thứ bằng sự cảm thông và cố gắng trở thành tấm gương tốt để con cái noi theo.
Tạo một lọ que giải quyết vấn đề
Có một số cách giải quyết vấn đề trong khả năng của trẻ, giống như việc bỏ tiền vào bình hay lọ, bố mẹ có thể tạo ra lọ que giải quyết vấn đề.
Ví dụ, nếu trẻ có hiểu lầm với bạn bè và chưa có cách giải quyết, bố mẹ có thể nói chuyện với con về những gì đã xảy ra và giúp trẻ đưa ra phương án giải quyết xung đột. Khi con đã đi đến kết luận đó, giải pháp cho vấn đề sẽ được viết ra và đặt trong một cái lọ. Bằng cách này, khi trẻ gặp trường hợp tương tự, chúng sẽ biết giải pháp nào khả thi nhất khi đọc lại tờ giấy trong lọ.
Sử dụng giao tiếp hiệu quả
Một trong những chìa khóa để giải quyết vấn đề là giao tiếp giữa bố mẹ và con cái.
Việc lắng nghe con cái là điều cần thiết để giúp cha mẹ sắp xếp và gọi tên cảm xúc của trẻ. Lắng nghe thường xuyên và đáng tin cậy, trò chuyện với con như người bạn, cha mẹ sẽ nắm bắt được tâm tư, tình cảm, nhận biết được những lo âu, rối loạn, bất thường của trẻ trong quá trình trưởng thành. Nghe con là để thấu hiểu trước khi tìm cách phản hồi sao cho hợp tình hợp lý, thuyết phục.
Học cách xin lỗi
Là cha mẹ, một trong những nhiệm vụ quan trọng là dạy con cư xử theo các chuẩn mực xã hội. Con cần phải biết nhận sai và nói lời xin lỗi. Tuy nhiên, không phải dạy bằng cách ép buộc con nói xin lỗi mà mục tiêu cuối cùng là dạy con nhận ra sai lầm của mình và nói lời xin lỗi một cách chân thành.
Học cách xin lỗi là để trẻ tự chịu trách nhiệm về hành động của mình theo một cách nào đó.
Chơi trò nhập vai
Ngoài việc bắt chước, trẻ học thông qua chơi. Nhập vai là công cụ hữu hiệu kích thích khả năng sáng tạo và kỹ năng giải quyết vấn đề của trẻ. Ví dụ, bố mẹ có thể sử dụng đồ chơi của con mình để tạo ra tình huống xung đột và đưa ra các giải pháp khả thi để giải quyết nó.
(Theo Bright Side)