Tài chính

Vốn đầu tư không có, tiền tích luỹ có hạn, nhiều doanh nghiệp không thể lớn

Tóm tắt:
  • Doanh nghiệp cần mở rộng quy mô gấp 5 lần nhưng thiếu vốn, khó tiếp cận chính sách ưu đãi.
  • DN chế biến nông sản nhỏ góp phần giải quyết đầu ra, tạo việc làm nhưng gặp khó về vốn và giá thuê đất.
  • Một số DN thành công nhờ vay vốn ngân hàng để đầu tư công nghệ, mở rộng sản xuất.
  • DN kiến nghị ngân hàng giảm lãi suất, linh hoạt thủ tục, mở rộng hình thức thế chấp.
  • Ngân hàng cam kết giảm lãi suất, hỗ trợ DN nhưng yêu cầu minh bạch tài chính.

Muốn lớn lên, cần vốn ngân hàng

Nhiều năm “làm thuê” cho các tập đoàn lớn, sau đó mở công ty chuyên chế biến sâu sản phẩm cà phê xuất khẩu, ông Doãn Hữu Tuệ - Tổng giám đốc CTCP Tập đoàn Quốc tế Mỹ Việt, rất thấu hiểu những khó khăn mà doanh nghiệp tư nhân phải trải qua.

Theo ông, tuy phần lớn các doanh nghiệp chế biến trong lĩnh vực nông nghiệp có quy mô vừa và nhỏ nhưng đã góp phần giải quyết đầu ra cho nông sản, tạo công ăn việc làm cho nông dân và hạn chế chuyển dịch lao động từ nông thôn ra thành thị.

Thế nhưng, rất khó để tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước. Chưa kể, giá thuê đất ở những khu công nghiệp hiện cũng rất đắt đỏ.

Bản thân Tập đoàn Quốc tế Mỹ Việt cũng muốn “nhảy” vào các khu công nghiệp thuê đất xây thêm nhà máy, song nhìn giá thuê đành chịu. Ông Tuệ đã nhiều lần tiếp cận với các chính sách vốn ưu đãi cho doanh nghiệp, nhưng chưa lần nào thành công.

Sản xuất cà phê chế biến sâu đang rất có tiềm năng, tăng trưởng tốt nhờ xuất khẩu sang hàng loạt thị trường như Trung Quốc, Dubai, Hàn Quốc, Úc,... Công ty luôn trong tình trạng không có đủ hàng để bán.

“Nếu đáp ứng hết nhu cầu của khách hàng, quy mô sản xuất phải mở rộng gấp 5 lần năng lực hiện tại. Trong khi vốn đầu tư không có, tiền tích luỹ của doanh nghiệp có hạn. Tiếp xúc với chính sách hỗ trợ ưu đãi của nhà nước thì khó dù đã cố nhiều lần”, vị tổng giám đốc tâm sự.

Vì thế, mấy năm gần đây, doanh nghiệp “không chịu lớn”, phải từ chối nhiều khách hàng tiềm năng.

Năm 2016, Công ty cổ phần BHL Sơn La mạnh dạn vay vốn VietinBank Sơn La xây dựng và vận hành nhà máy chế biến tinh bột sắn công suất 200 tấn tinh bột/ngày đêm tại Khu công nghiệp Mai Sơn (Sơn La). Năm 2018, doanh nghiệp (DN) này tiếp tục đầu tư nâng công suất dây chuyền lên 300 tấn tinh bột/ngày đêm.

13cb557bae3847661e29 890.jpg
Doanh nghiệp tư nhân góp phần làm thay đổi bộ mặt kinh tế ở các tỉnh nghèo khu vực Tây Bắc. Ảnh: Lê Anh Dũng.

BHL Sơn La hiện là DN thuộc top đầu cả nước về chế biến tinh bột sắn, với thương hiệu Conbotot. 

Bà Chử Thị Kim Oanh, Chủ tịch CTCP Chế biến nông sản BHL Sơn La, cho hay, năm 2025 DN đặt ra nhiều mục tiêu lớn, như: tăng cường liên kết với các HTX, hộ nông dân và đối tác để xây dựng vùng nguyên liệu; đẩy mạnh đầu tư công nghệ chế biến hiện đại; tập trung phát triển thị trường xuất khẩu.

“Chúng tôi mong muốn ngân hàng tiếp tục tăng cường chính sách hỗ trợ tín dụng ưu đãi cho DN chế biến nông sản; hỗ trợ các kênh tài trợ thương mại để phát triển thị trường quốc tế; đồng hành trong tư vấn và cung cấp các giải pháp tài chính linh hoạt cho DN”, bà Oanh kiến nghị.

Cũng tại Sơn La, CTCP Năng lượng Việt Dũng đã có trên 20 năm gắn bó cùng Agribank Sơn La trong việc triển khai các dự án năng lượng trong và ngoài tỉnh. DN đã ký hợp đồng tín dụng hạn mức 300 tỷ đồng cho dự án Thủy điện Suối Đỏ; triển khai đúng tiến độ dự án Thủy điện Chiềng Muôn công suất 15MW nhờ nguồn vốn 296 tỷ đồng vay ngân hàng. 

DN đang đề nghị Agribank Sơn La thẩm định 2 dự án thủy điện với nguồn tài trợ hơn 300 tỷ đồng.

Đối với Công ty Chè Tân Uyên (Lai Châu), với sự tài trợ vốn với lãi suất ưu đãi từ VietinBank Lai Châu, năm 2024, công ty xây dựng nhà máy chế biến, cải tiến dây chuyền công nghệ, bổ sung vốn lưu động, qua đó giúp tạo việc làm cho trên 50 lao động, tiêu thụ nguyên liệu cho hơn 100 hộ trồng chè với tổng diện tích trên 400ha.

“Nhờ đó, giúp DN lớn mạnh qua từng năm. Doanh thu, lợi nhuận năm sau luôn cao hơn năm trước”, ông Đỗ Việt Trung - Chủ tịch HĐQT Công ty Chè Tân Uyên, chia sẻ.

Cần cơ chế cho vay linh hoạt

Theo ông Bùi Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng số 6, tỉnh Điện Biên, mỗi lĩnh vực hoạt động có nhu cầu vay vốn có thời hạn khác nhau, mục đích khác nhau nên cần có cơ chế cho vay linh hoạt và cơ chế lãi suất ưu đãi cụ thể.

Chẳng hạn, trong lĩnh vực công nghiệp và năng lượng, cần các khoản vay trung và dài hạn với lãi suất ưu đãi để đầu tư vào hạ tầng, công nghệ hiện đại, đảm bảo phát triển bền vững.

Trong lĩnh vực dịch vụ thương mại, ăn uống, cần các gói tín dụng linh hoạt, vốn lưu động để mở rộng hệ thống, nâng cao chất lượng phục vụ và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao.

Trong lĩnh vực xây lắp, hạ tầng, việc phụ thuộc vào dòng tiền của dự án đòi hỏi các khoản vay có cơ chế linh hoạt theo tiến độ thanh toán, giúp đảm bảo tiến độ thi công và tối ưu hóa hiệu quả sử dụng vốn.

Ông Tuấn đề nghị các NHTM đơn giản hóa thủ tục và rút ngắn thời gian thẩm định, đặc biệt đối với các doanh nghiệp có lịch sử tín dụng tốt. Tiếp tục nghiên cứu giảm lãi suất cho vay, đặc biệt khi các DN đang trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch.

Trước thực trạng còn nhiều HTX, DN nhỏ và vừa chưa tiếp cận được vốn ngân hàng do hạn chế về tài sản thế chấp, ông Nguyễn Ngọc Sơn - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Quỳnh Ngọc, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sơn La, kiến nghị ngành ngân hàng mở rộng hình thức cho vay thế chấp dựa trên tài sản hình thành trong tương lai.

Ngoài ra, ông cũng đề nghị NHNN xem xét có chính sách đối với các TCTD điều chỉnh tỷ lệ vốn tự có của DN tham gia dự án xuống 15% (thay vì 30% như hiện nay), nâng tỷ lệ vốn vay ngân hàng lên 85%.

Ông Phạm Chí Quang - Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN - cho hay, về cơ bản tất cả các hoạt động cấp tín dụng đều trên cơ sở thoả thuận giữa TCTD với khách hàng. 

Ngoài ra, lãi suất luôn là vấn đề được DN quan tâm. Ông Phạm Chí Quang cho biết, giai đoạn 2023-2024 mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm 2,3%/năm. Trong 3 tháng đầu năm mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm 0,6%/năm. 

“Thời gian tới ngành ngân hàng sẽ tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đảm bảo ổn định mặt bằng lãi suất huy động và cho vay, hỗ trợ nền kinh tế, tạo điều kiện cho các TCTD tiếp tục giảm lãi suất cho vay”, ông Phạm Chí Quang nhấn mạnh.

Liên quan đến kiến nghị mở rộng hình thức thế chấp tài sản đảm bảo, bà Phạm Thị Thanh Tùng - Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN - cho hay cơ quan này luôn yêu cầu các TCTD phải nâng cao hiệu quả thẩm định, tăng cường cho vay không tài sản đảm bảo, linh hoạt trong hình thức nhận tài sản đảm bảo.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp cần phải minh bạch tài chính, đặc biệt là phải rõ ràng về dòng tiền. DN nên mở tài khoản thanh toán qua ngân hàng để ngân hàng có thể kiểm soát được dòng tiền của doanh nghiệp, từ đó mở rộng hình thức cho vay không tài sản đảm bảo.

Các tin khác

Kết nối rừng - biển khi sáp nhập tỉnh: Mở đường vươn ra biển lớn

TP - Lãnh đạo các tỉnh Tây Nguyên kỳ vọng, phương án dự kiến sáp nhập tỉnh, thành theo hướng kết nối rừng - biển nếu thành hiện thực sẽ giúp các địa phương này tháo gỡ điểm nghẽn về hạ tầng giao thông, rộng đường để nông sản vươn ra biển lớn. Khi các tuyến cao tốc được đầu tư, vận hành sẽ thúc đẩy giao thương mạnh mẽ giữa các vùng, giữa Việt Nam với các nước trong khu vực.

Nhiều doanh nghiệp "cài số lùi" trong năm nay

Công ty CP Kinh doanh và Phát triển Bình Dương, Vinasun, Công ty CP Tập đoàn An Phát Holdings đặt kế hoạch lợi nhuận trong năm 2025 giảm từ 36-50%, với nhận định sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức.

Tin xem nhiều