Tỷ giá trung tâm cao kỷ lục
Khoảng một tuần nay, nhà điều hành đã nâng giá bán USD tham khảo lên trên 26.000 đồng/USD rồi liên tục tăng dần qua các phiên. So với đầu năm, giá bán tham khảo USD đã tăng thêm gần 560 đồng, tương đương mức tăng 2%.
Chẳng hạn, ngày 25/3, tỷ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước niêm yết tiếp tục tăng 16 đồng so với phiên liền trước, ghi nhận mức kỷ lục 24.847 đồng/USD. Ngày 26/3, tỷ giá trung tâm là 24.851 đồng/USD, tiếp tục tăng thêm 4 đồng so với một ngày trước đó.
Nếu so với đầu năm, tỷ giá trung tâm đã tăng gần 500 đồng/USD. Với biên độ 5% hiện tại, tỷ giá trần các ngân hàng thương mại được phép giao dịch là 26.089 đồng/USD còn tỷ giá sàn là 23.605 đồng/USD.
Theo xu hướng tăng giá từ phía cơ quan điều hành, các ngân hàng thương mại cũng điều chỉnh tăng mạnh giá đồng bạc xanh lên mức kỷ lục, vượt 25.800 đồng/USD chiều bán. Trên thị trường tự do, USD được giao dịch ở mức 25.815-25.905 đồng (mua - bán).

Các ngân hàng thương mại đồng loạt nâng tỷ giá VND/USD vượt mức 25.800 đồng (Ảnh: Tiến Tuấn).
Giá USD trong nước trong bối cảnh USD-Index - thước đo sức mạnh đồng bạc xanh với các đồng tiền chủ chốt neo ở mức 104,34 điểm.
Đồng USD đã tăng lên mức cao nhất trong nhiều tuần sau khi dữ liệu cho thấy hoạt động kinh doanh của Mỹ ổn định trong tháng 3, cùng với bản báo cáo rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ linh hoạt với các mức thuế quan sắp tới.
Tỷ giá liệu có tăng tiếp?
Áp lực tỷ giá được giới chuyên gia dự báo vẫn hiện hữu trong năm nay khi đồng USD ở mức cao trong bối cảnh Tổng thống Donald Trump liên tục đưa ra những chính sách thuế quan làm tăng rủi ro lạm phát, khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thận trọng hơn trong việc giảm lãi suất.
Nhận định về xu hướng tỷ giá trong thời gian tới, trưởng phòng phân tích của một công ty chứng khoán cho rằng thách thức vẫn còn khi cuộc chiến thương mại được dự báo sẽ là yếu tố hỗ trợ cho đồng USD trong thời gian tới. Những rủi ro liên quan đến chính sách thuế quan của ông Donald Trump sẽ tiếp tục củng cố vị thế của đồng USD. Do đó, rủi ro tỷ giá vẫn sẽ cần được chú ý trong thời gian tới.

Giá USD ngân hàng lên cao nhất từ trước đến nay (Ảnh: Tiến Tuấn).
Vị này kỳ vọng tỷ giá sẽ dao động khoảng 25.500-25.800 đồng/USD trong quý I, khi các kế hoạch nới lỏng tài khóa của chính quyền mới, kết hợp với các chính sách nhập cư chặt chẽ hơn, cùng với lãi suất cao của Mỹ so với các nước khác và chủ nghĩa bảo hộ tương đối cao của Mỹ, dự kiến sẽ hỗ trợ cho việc gia tăng giá trị của đồng USD trong năm 2025.
Tuy nhiên, vẫn có những yếu tố tích cực hỗ trợ cho đồng Việt Nam như thặng dư thương mại tích cực ở mức 3,03 tỷ USD trong tháng 1, lượng vốn FDI giải ngân dồi dào, lên đến 1,51 tỷ USD, tăng 2% so với cùng kỳ và du lịch phục hồi mạnh mẽ, tăng 36,9% so với cùng kỳ trong tháng 1.
Sự ổn định của môi trường vĩ mô nhiều khả năng sẽ được duy trì và cải thiện hơn nữa sẽ là cơ sở để ổn định tỷ giá trong năm 2025.
Trưởng phòng phân tích một công ty chứng khoán khác cũng cho rằng tỷ giá VND/USD sẽ tiếp tục biến động trong năm 2025 trước các quyết sách mà chính quyền ông Donald Trump dự kiến sẽ công bố vào thời gian tới có khả năng ảnh hưởng đáng kể đến sức mạnh của đồng USD.
Nửa đầu năm là giai đoạn khó đoán do nhiều thông điệp về chính sách thương mại của Tổng thống Mỹ Donald Trump tạo áp lực lên tỷ giá. Tuy nhiên, khi các thỏa thuận thương mại thuế quan đạt được vào nửa cuối năm, tỷ giá có thể hạ nhiệt. Vị này dự báo tỷ giá cuối năm nay sẽ khoảng 26.000 đồng/USD, tăng 2% so với năm 2024.