Xã hội

Trăm năm đổi thay của quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục

Tóm tắt:
  • Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục từng là nơi có dừa ven Hồ Gươm, trở thành bến tàu điện thời Pháp.
  • Ngã năm bờ hồ là nơi quân Pháp xử án khủng bố tinh thần người dân, được gọi là "cây dừa bêu đầu".
  • Năm 1907, trường Đông Kinh Nghĩa Thục ra đời truyền bá chữ quốc ngữ và tư tưởng canh tân, bị đóng cửa sau tám tháng.
  • Những năm chiến tranh, quảng trường trở thành nơi trú ẩn cho người dân, giờ là điểm check-in phổ biến cho du khách.
  • Bà Tính ủng hộ việc phá bỏ "Hàm cá mập" nhằm mở rộng không gian và giữ nét đẹp quý giá của Thủ đô.

Cuối thế kỷ 19, sau khi đánh chiếm Hà Nội, thực dân Pháp bắt đầu lấp sông Tô Lịch, quy hoạch lại phố phường, xây dựng quảng trường, công viên theo phong cách châu Âu phục vụ quản lý và kiểm soát thành phố. Họ sớm nhận ra vị trí của ngã năm dẫn vào Hồ Gươm - nơi phân chia không gian người Pháp ở phố Tây với người bản địa ở phố cũ, cũng là khu vực công cộng mà bất cứ sự việc nào diễn ra ở đây đều được lan truyền nhanh chóng, thu hút sự chú ý của người dân.

Ngã năm đó từng là bãi đất trống, có dừa mọc ven hồ, sau biến thành nơi quân Pháp xử trảm người yêu nước nhằm khủng bố tinh thần người dân bản địa. Cụ Doãn Kế Thiện trong cuốn Hà Nội cũ, xuất bản năm 1943 tập hợp những mẩu chuyện về Hà thành, đã ví "cây dừa bêu đầu" là một trong những nơi rùng rợn nhất thành phố những năm cuối thế kỷ 19.

Khi xây dựng mạng lưới tàu điện chạy trong thành phố, Pháp dần chỉnh trang ngã năm thành bến đỗ trung tâm, đặt tên Place de Négrier - viên tướng Oscar de Négrier có nhiều công trạng trong quân đội Pháp. Trong cuốn Hà Nội chỉ nam, tác giả Nguyễn Bá Chính gọi nơi này là "vườn hoa bờ hồ" - trung tâm của mấy đường xe điện trong thành phố.

Trẻ em bám tàu ba toa trước quảng trường đi ké về các ngả trong thành phố. (Ảnh tư liệu).

"Cây dừa bêu đầu" không làm lung lay ý chí chống Pháp của người Việt, nhất là lớp nhân sĩ trí thức. Cách ngã năm bờ hồ trăm mét, tại nhà số 10 Hàng Đào năm 1907, thầy giáo Lương Văn Can, cử nhân nổi tiếng xuất sắc trong khu phố cùng một số trí thức mở trường Đông Kinh Nghĩa Thục dạy chữ quốc ngữ và truyền bá tư tưởng canh tân đất nước.

Ngôi trường dạy việc nhân nghĩa lấy tên "Đông Kinh" - tên cũ của Hà Nội từ thời Hậu Lê. "Trường mở cửa ban ngày cho khoảng 50 trẻ em trai và gái, hàng trăm người lớn vào buổi tối từ 7 đến 9h. Các lớp học đều miễn phí", báo cáo tháng 4/1907 của trưởng phố Hàng đào gửi Đốc lý Hà Nội nêu. Trường tồn tại hơn tám tháng thì bị Pháp dẹp bỏ, nhưng vẫn thổi một luồng gió vào công cuộc cách mạng giáo dục đầu tiên của người Việt đầu thế kỷ 20.

Sau năm 1945, tên gọi quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục thay thế cho Place de Négrier để tưởng nhớ ngôi trường dạy việc nhân nghĩa. Thời kỳ miền Bắc xây dựng xã hội chủ nghĩa, trụ sở các công trình quốc doanh như rạp Hòa Bình, bách hóa Bờ Hồ... dần thay thế cho những biển hiệu thời Pháp quanh quảng trường.

Lớn lên ở Ngõ Gạch những năm 1960, bà Lê Thị Tính kể ngã năm bờ hồ, nơi có đài phun nước, là sân chơi rộng nhất của trẻ con phố cổ sau giờ tan học, trưa hè. Bé nhất trong đám trẻ, cô bé Tính hay chạy theo anh chị xuyên qua Hàng Đường, Hàng Ngang, Hàng Đào ra ngã năm bờ hồ sang đến nhà Thủy Tạ. Cả hội trốn tìm trong nhà Thủy Tạ mà không sợ người lớn đuổi mắng, chán lại rủ nhau ra ven hồ nhặt búp đa chơi đồ hàng, nhảy ngựa, ô ăn quan. Cánh con trai thích bám tàu điện ven hồ "đi ké" các ngả về chợ Đồng Xuân, lên tận Bưởi.

"Ngã năm phố xá khi ấy thoáng rộng chứ không toen hoẻn, lố nhố nhà cao tầng như bây giờ", bà Tính, 72 tuổi, nhớ cảnh bờ hồ những năm thơ ấu.

Ngã năm bờ hồ năm 1973 - nơi những chuyến tàu điện leng keng sớm khuya. (Ảnh: NSNA Hữu Cấy).

Những năm bom Mỹ trút xuống miền Bắc, đám trẻ nghe tiếng còi báo động phòng không trên nóc Bưu điện Hà Nội rú vang là chạy xuống hầm trú ẩn, người lớn vứt xe đạp nhảy xuống hầm tăng xê dọc phố ven hồ, chờ còi yên mới chui lên. Bà Tính theo gia đình lên tàu điện từ ngã năm đi Cầu Giấy rồi sơ tán lên Nhổn. Cho đến ngày quay lại Thủ đô, điều đầu tiên bà cũng như đám trẻ làm là kéo ra ngã năm, đuổi nhau một vòng Hồ Gươm "hít hà không khí" cho đỡ nhớ.

Sau ngày lấy chồng, gia đình chuyển về phố Hàng Cân, cuộc sống thời bao cấp của bà mẹ hai con vẫn loanh quanh phố cổ với bờ hồ. Bà Tính làm công nhân nhà máy dệt kim Thăng Long trên phố Hàng Quạt, mỗi ngày bốn lượt đi về, chứng kiến những đổi thay trên từng con phố ven Hồ Gươm.

Thời bao cấp, vị trí tòa nhà Trung tâm Giao dịch thương mại quốc tế (còn gọi Hàm cá mập) từng có cửa hàng mậu dịch quốc doanh, người dân vẫn quen gọi bách hóa Bờ Hồ để phân biệt với bách hóa Tổng hợp trên phố Tràng Tiền.

Toàn cảnh Hồ Gươm năm 1976. (Ảnh: Văn Phúc/ TTXVN).

Những chuyến tàu điện gần một thế kỷ trước quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục thưa dần khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới. Chỉ còn mấy đường ray sót lại ven hồ cho đến khi bị gỡ hẳn vào năm 1990-1991. Nhà điều hành xe điện được thay thế bằng Trung tâm Giao dịch thương mại quốc tế. Đây là trung tâm thương mại quốc doanh đầu tiên của Thủ đô, khai trương cuối năm 1995, bày bán hơn nghìn mặt hàng từ rau củ, thực phẩm đến đồ gia dụng.

Mỗi sáng, vợ chồng bà Tính đi bộ hai vòng quanh hồ, nhưng chưa bao giờ đặt chân vào tòa nhà "Hàm cá mập". Không riêng bà, nhiều người Thủ đô thời điểm ấy phần lớn không ưa khối bêtông sơn đen xì, mọc lên choán một phần không gian quảng trường khiến tầm mắt ngắm nhìn Hồ Gươm thêm phần chật chội.

Năm 2024, lần đầu tiên bà Tính bước vào "Hàm cá mập" khi nhận lời dự sinh nhật một người bạn. Từ tầng 5 trông ra Hồ Gươm, bà càng tiếc nhớ những ngày cũ. "Đổi thay là lẽ tất yếu của đời sống, nhưng những khu nhà cao tầng khi trước mọc lên cũng khiêm nhường chứ không đồ sộ đến tức mắt như bây giờ", bà nói.

Một góc quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, tháng 3/2025. (Ảnh: Giang Huy).

Quảng trường không còn là sân chơi riêng của trẻ con bờ hồ như thời bà Tính mà trở thành điểm check in của hàng triệu người đến với Thủ đô. Những em bé Hà Nội năm xưa nay tóc bạc da mồi thi thoảng vẫn hẹn nhau thể dục, đi dạo ven hồ, tránh quảng trường đông đúc.

Bà Tính ủng hộ chủ trương phá bỏ "Hàm cá mập", mở rộng không gian phía đông Hồ Gươm của thành phố, đặc biệt là khu vực quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục. Bà biết "để trở lại thoáng rộng, dễ thở như xưa là không thể, nhưng cần thay đổi để giữ lấy những điều quý giá của Thủ đô".

Các tin khác

Dự án khu công nghiệp lớn nhất Cần Thơ hiện ra sao?

Dự án Khu công nghiệp VSIP Cần Thơ đang bị chậm tiến độ do gặp nhiều vướng mắc, đặc biệt việc thiếu cát san lấp, chậm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thi công khu tái định cư và hai tuyến đường kết nối.

Thời tiết miền Bắc những ngày tới

Hôm nay (31/3), miền Bắc vẫn đang trong đỉnh điểm đợt rét lần này với nhiệt độ thấp nhất chỉ từ 12-15 độ, cao nhất 17-20 độ. Dự báo ngày mai, trời tiếp tục rét với nền nhiệt tương đương hôm nay. Từ 2/4, nhiệt độ cao nhất lên khoảng 23 độ. Từ 3/4, trời ấm dần, trưa chiều có nắng nhẹ.

Giá vàng tăng không ngừng

Sáng nay (30/3),giá vàng trong nước tiếp tục tăng mạnh. Cả vàng miếng SJC và vàng nhẫn đều tiến sát mốc 101 triệu đồng/lượng.

Miền Bắc rét đỉnh điểm

Hôm nay (30/3) là đỉnh điểm đợt rét đang diễn ra ở miền Bắc với nhiệt độ xuống thấp nhất chỉ từ 12-15 độ, vùng núi cao dưới 10 độ. Khu vực từ Thanh Hoá đến Quảng Ngãi hôm nay có mưa rào rải rác, riêng Thanh Hoá đến Huế trời rét. Nam Bộ giảm nhiệt nhẹ sau chuỗi ngày nắng nóng.

Chubb Life cập nhật giá đơn vị Quỹ Liên kết Đơn vị - Sản phẩm Kế hoạch Tài chính Chủ động

Sản phẩm Bảo hiểm Liên kết Đơn vị - Kế hoạch Tài chính Chủ động được thiết kế với các tính năng ưu việt nhằm đáp ứng đồng thời cả hai nhu cầu: Bảo vệ và Đầu tư. Với thông điệp “Đầu tư vững tâm – Bảo vệ vững vàng”, sản phẩm Kế hoạch Tài chính Chủ động góp phần hoàn thiện danh mục giải pháp tài chính toàn diện của Chubb Life Việt Nam trên hành trình thực hiện sứ mệnh bảo vệ người trụ cột và gia đình Việt.

Giá vàng nhẫn tăng cao chưa từng có

10h30 sáng nay (28/3), Công ty CP Vàng bạc Bảo Tín Minh Hải niêm yết 98,7 - 100,8 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra, tăng 1 triệu đồng/lượng mua vào và 900.000 đồng/lượng so với đầu giờ sáng. Đây cũng là kỷ lục mới của giá vàng nhẫn.

Giá vàng nhẫn tiếp tục tăng mạnh

Sáng nay (28/3), giá vàng nhẫn tiếp tục tăng mạnh và cao nhất lên tới 99,9 triệu đồng/lượng. Giá vàng miếng SJC vẫn thấp hơn vàng nhẫn 1 triệu đồng/lượng.

Miền Bắc chuyển mưa rét từ đêm nay

Từ đêm nay không khí lạnh sẽ khiến nền nhiệt giảm sâu ở miền Bắc, trời chuyển rét, đồng thời có mưa rào rải rác. Trong sáng nay, khu vực Đông Bắc Bộ cũng có mưa nhỏ, mưa phùn. Các khu vực khác trên cả nước ngày nắng, riêng Nam Bộ, vùng núi phía Tây của Bắc Trung Bộ nắng nóng.

Giá vàng tiếp tục tăng

Sáng nay (26/3), giá vàng trong nước tiếp tục duy trì đà tăng ngày thứ 2 liên tiếp. Theo đó, giá vàng SJC tiến sát mốc 98 triệu đồng/lượng còn vàng nhẫn gần 99 triệu đồng/lượng.