Dinh dưỡng

Tiêm vaccine phòng sốt xuất huyết trước mùa mưa

Tóm tắt:
  • Chị Thúy mắc sốt xuất huyết, đưa con đi tiêm vaccine sau khi bệnh qua.
  • Bệnh sốt xuất huyết do virus Dengue gây ra, không có điều trị đặc hiệu.
  • Vaccine giúp giảm hơn 80% nguy cơ mắc và 90% nhập viện, triển khai từ 2024.
  • Người dân nên chủng ngừa sớm, tránh chờ mùa mưa hoặc cao điểm dịch.
  • TP HCM có hơn 3.400 ca bệnh, tăng 125% so cùng kỳ năm ngoái.

Chị Thúy cho biết bệnh sốt xuất huyết gây sốt cao liên tục trong hai ngày. Trong quá trình sốt, chị rất mệt với hai hốc mắt đau đớn, nhạy cảm với ánh sáng, cơ thể đau nhức chỉ muốn nằm nghỉ. Tuy nhiên cùng thời gian này, chồng và con gái út của chị cũng mắc bệnh, vì vậy hai vợ chồng vẫn phải cố để chăm con. Con gái út còn bị phát ban, ngứa ngáy gây khó chịu.

Do đó, đợt này, chị mong muốn cả nhà cùng tiêm vaccine ngừa sốt xuất huyết để phòng bệnh sớm. Bác sĩ tiêm chủng tư vấn cơ thể đã có miễn dịch sau khi mắc bệnh, cần chờ 6 tháng sau mới có thể tiêm phòng. Vì vậy, chị đưa con trai 9 tuổi đến VNVC tiêm chủng trước.

Chị Thúy (áo đen) đưa con trai đi tiêm ngừa sốt xuất huyết. Ảnh: Ánh Dương

Chị Thúy (áo đen) đưa con trai đi tiêm ngừa sốt xuất huyết. Ảnh: Ánh Dương

Còn, chị Thanh Tâm (33 tuổi, TP Thủ Đức) đưa hai con trai 5 tuổi và 7 tuổi tới trung tâm VNVC để tiêm ngừa sốt xuất huyết. Chị lo hai bé nhiễm bệnh khi liên tục đọc các thông tin về ca nhập viện, gặp biến chứng nặng, tốn kém.

Bác sĩ Lê Thị Gấm, Quản lý Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC, cho biết sốt xuất huyết do virus Dengue gây ra với 4 type gồm Den-1, Den-2, Den-3, Den-4. Hiện bệnh không có phương pháp điều trị đặc hiệu, trọng tâm là phát hiện sớm và điều trị các triệu chứng.

Do đó, vaccine được kỳ vọng góp phần giảm gánh nặng sốt xuất huyết ở các góc độ: phòng bệnh, giúp giảm số mắc và ca bệnh nặng, giảm chi phí điều trị. Đối với người dân, vaccine có hiệu quả phòng bệnh lên đến hơn 80% và giảm đến hơn 90% nguy cơ nhập viện, giảm chi phí điều trị xuống mức thấp nhất. Việc tiêm vaccine cũng giúp giảm bớt công việc cho người dân trong việc kiểm soát tác nhân gây bệnh sốt xuất huyết.

Tại Việt Nam, vaccine được triển khai từ tháng 9/2024. Mũi tiêm chỉ định cho trẻ từ 4 tuổi trở lên và người lớn. Lịch tiêm hai mũi cách nhau ba tháng. Phụ nữ có ý định sinh con nên tiêm vaccine trước ba tháng hoặc tối thiểu một tháng trước khi mang thai. Đến nay, VNVC đã triển khai hàng trăm nghìn mũi tiêm cho trẻ em và người lớn.

Theo bác sĩ Gấm, người dân nên chủng ngừa sốt xuất huyết sớm, không nên chờ vào mùa mưa hoặc khi cao điểm sốt xuất huyết mới tiêm chủng. Bên cạnh đó, để tăng hiệu quả phòng bệnh, gười dân cần bảo vệ để tránh bị muỗi đốt, đặc biệt với trẻ nhỏ bằng cách ngủ trong màn, mặc quần áo dài, dùng thuốc hoặc kem đuổi muỗi, đổ bỏ nước thừa đọng quanh khu vực sinh sống, dọn nhà cửa thông thoáng...

Nếu có các biểu hiện như đau bụng dữ dội, thở nhanh, nôn ói nhiều, chảy máu chân răng hoặc mũi, xuất huyết đường tiêu hóa... cần đến cơ sở y tế để thăm khám, theo dõi và điều trị.

TP HCM đang chuyển mùa mưa, là điều kiện thuận lợi cho muỗi vằn sinh sôi, gây bệnh sốt xuất huyết. Ảnh: Văn Sỹ

TP HCM đang chuyển mùa mưa, là điều kiện thuận lợi cho muỗi vằn sinh sôi, gây bệnh sốt xuất huyết. Ảnh: Văn Sỹ

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Dengue gây ra. Bệnh lây từ người sang người chủ yếu thông qua vết đốt của muỗi vằn cái Aedes aegypti có mang virus.

Theo WHO, khoảng một nửa dân số thế giới hiện nay có nguy cơ mắc sốt xuất huyết. Số ca bệnh cao nhất được ghi nhận vào năm 2023, với hơn 6,5 triệu ca bệnh, khiến hơn 7.300 người tử vong.

Tại Việt Nam, hiện bệnh sốt xuất huyết diễn biến quanh năm, không còn theo mùa. Miền Nam nhiều năm liền là tâm dịch của cả nước, riêng năm 2024, khu vực phía Nam chiếm 41% trong tổng số 141.000 ca bệnh. . Ở miền Trung, mưa bão trái mùa và lũ lụt kéo dài cũng khiến dịch sốt xuất huyết gia tăng. Còn miền Bắc, bệnh cũng lan rộng ra các tỉnh miền núi và trong cả mùa đông rét.

Theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC), tính đến tuần 7 năm 2025, tại thành phố có 3.431 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 125,3% so với cùng kỳ năm 2024. HCDC cũng cảnh báo nguy cơ dịch bùng phát sớm trong năm nay.

Các tin khác

Sữa giả nguy hiểm sức khỏe thế nào

Mỗi người có nhu cầu dinh dưỡng, sinh lý và nguy cơ sức khỏe riêng, uống sữa "chung một công thức, nguyên liệu" có thể mất cân bằng dinh dưỡng, tăng gánh nặng chuyển hóa, trầm trọng thêm bệnh lý nền.