Như Thanh Niên đưa tin, chiều 20.4, thông tin từ Bộ Y tế cho biết, trong số 21 loại thuốc bị thu giữ, có 4 loại được xác định là giả mạo thuốc đã được Bộ Y tế cấp phép lưu hành, gồm: Tetracyclin, Clorocid, Pharcoter và Neo-Codion. Các sản phẩm còn lại không trùng khớp với bất kỳ loại thuốc nào nằm trong danh mục đã được Bộ Y tế cấp giấy phép đăng ký lưu hành
Tetracycline - kháng sinh điều trị nhiều loại nhiễm trùng
Dược sĩ chuyên khoa 1 Phạm Ngọc Thảo Uyên, Bệnh viện đa khoa quốc tế Nam Sài Gòn, cho biết Tetracycline là kháng sinh phổ rộng, tức là có khả năng điều trị các bệnh nhiễm trùng khác nhau do vi khuẩn gây ra. Thuốc thường được sử dụng để điều trị như viêm đường hô hấp, tiết niệu, tiêu hóa, bệnh mắt hột, giang mai (trong trường hợp không dùng được penicillin) và hỗ trợ điều trị mụn trứng cá.

Lực lượng Công an Thanh Hóa kiểm đếm thuốc giả là tang vật vụ án
ẢNH: CÔNG AN THANH HÓA
"Tuy nhiên, nếu sử dụng thuốc giả mang tên Tetracycline, không chứa hoạt chất hoặc chứa hoạt chất sai liều lượng, thì không chỉ khiến bệnh khó khỏi mà còn có thể gây hậu quả nghiêm trọng. Người bệnh có thể đối mặt với nguy cơ nhiễm khuẩn nặng hơn, nhiễm trùng huyết, tổn thương gan, thận, đặc biệt nguy hiểm ở người lớn tuổi hoặc đang mắc bệnh nền. Ngoài ra, Tetracycline còn chống chỉ định cho trẻ em dưới 8 tuổi do nguy cơ gây vàng răng vĩnh viễn", dược sĩ Thảo Uyên cho hay.
Clorocid - thuốc kháng sinh điều trị nhiễm khuẩn nặng
Clorocid là tên biệt dược của thuốc chứa hoạt chất chloramphenicol, một loại kháng sinh thường được sử dụng trong điều trị các bệnh nhiễm khuẩn nặng như nhiễm khuẩn huyết, viêm màng não, viêm phổi nặng, đặc biệt là trong trường hợp không còn lựa chọn kháng sinh phù hợp khác.
Tuy nhiên, chloramphenicol cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro nếu sử dụng sai cách hoặc không kiểm soát - đặc biệt là nguy cơ gây suy tủy xương, thiếu máu bất sản hiếm gặp nhưng nghiêm trọng. Vì vậy, thuốc này chỉ nên được dùng khi có chỉ định của bác sĩ.
Việc sử dụng thuốc Clorocid giả, không rõ nguồn gốc, không đủ hàm lượng hoạt chất hoặc bị thay thế hoạt chất, có thể khiến tình trạng nhiễm trùng không được kiểm soát, tiến triển nặng hơn và đe dọa đến tính mạng, đặc biệt với trẻ nhỏ và người cao tuổi.

Trong 21 thuốc giả, có 16 thuốc giả ghi nhãn không trùng với với các thuốc đã từng được cấp số đăng ký
ẢNH: CỤC QUẢN LÝ DƯỢC
Pharcoter - thuốc trị ho, long đờm và giảm đau nhẹ:
Pharcoter là thuốc thường được sử dụng trong điều trị các triệu chứng đường hô hấp như ho khan, ho có đờm, hen suyễn nhẹ. Thành phần chính của thuốc là Terpin hydrat (có tác dụng làm loãng đờm) và Codein phosphat, một hoạt chất thuộc nhóm opioid có tác dụng ức chế trung tâm ho và giảm đau nhẹ.
Khi bị làm giả, Pharcoter có thể không chứa hoạt chất chính hoặc chứa Codein không đúng hàm lượng, dẫn đến việc điều trị không hiệu quả, ho kéo dài, thậm chí làm tình trạng viêm nhiễm đường hô hấp trở nên nghiêm trọng hơn.
"Đáng lưu ý, Codein là một chất có thể gây nghiện nếu dùng không đúng cách. Ngoài ra, lạm dụng Codein hoặc dùng thuốc giả chứa Codein sai liều có thể dẫn đến các tác dụng phụ nguy hiểm như ức chế hô hấp, rối loạn thần kinh, mệt mỏi hoặc buồn ngủ kéo dài, đặc biệt nguy hiểm với người cao tuổi hoặc người có bệnh lý tim phổi", dược sĩ Uyên cảnh báo.
Neo-Codion - thuốc giảm ho mạnh cần thận trọng khi sử dụng
Neo-Codion là thuốc giảm ho khan mạnh, thường được chỉ định cho người lớn trong trường hợp ho kéo dài do kích thích, không có đờm. Thành phần chính của thuốc là Codein camphosulphonat, một dạng của Codein, thuộc nhóm thuốc giảm đau opioid có tác dụng ức chế trung tâm ho ở não.
Tuy nhiên, Neo-Codion là thuốc kê đơn và cần được sử dụng theo chỉ định nghiêm ngặt của bác sĩ, vì Codein có thể gây ức chế hô hấp, đặc biệt nguy hiểm ở người cao tuổi, trẻ em hoặc người có bệnh lý về hô hấp và thần kinh.
Khi bị làm giả, Neo-Codion có thể chứa hàm lượng Codein không kiểm soát, hoặc không có hoạt chất, khiến việc điều trị không hiệu quả và làm tăng nguy cơ gặp tác dụng phụ nặng như buồn ngủ sâu, khó thở, rối loạn nhịp tim, phụ thuộc thuốc, nghiện codein nếu dùng kéo dài.
Dược sĩ chuyên khoa 1 Phạm Ngọc Thảo Uyên khuyến cáo, việc sử dụng thuốc giả không chỉ không mang lại hiệu quả điều trị, mà còn gây hiểu lầm về tình trạng bệnh khiến người dùng trì hoãn việc điều trị đúng cách, bệnh ngày càng nặng hơn. Người bệnh nên mua thuốc tại nhà thuốc, quầy thuốc được cấp phép, có địa chỉ rõ ràng.