Kinh doanh

Thoát nghèo, an cư nhờ... "bò ngân hàng"

Tóm tắt:
  • Vợ chồng anh Lô Văn Phim đã thoát nghèo nhờ nguồn vốn vay ưu đãi từ NHCSXH.
  • Họ đã mua bò và trồng rừng, phát triển kinh tế ổn định.
  • Gia đình anh Phim hiện sở hữu tài sản khoảng 250 triệu đồng.
  • Huyện Con Cuông đã giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 13,8% vào năm 2024.
  • Nguồn vốn ưu đãi đã giúp nhiều hộ dân cải thiện đời sống và phát triển kinh tế.

Đồng vốn ưu đãi giúp người dân thoát nghèo

Căn nhà sàn của vợ chồng anh Lô Văn Phim, chị Lô Thị Xin (bản Xằng, xã Lục Dạ, Con Cuông, Nghệ An) được xem là khang trang nhất bản. Phải mất hơn 5 năm, với nhiều lần dựng theo kiểu "có tiền đến đâu, hoàn thiện đến đấy", căn nhà mới có diện mạo như bây giờ.

Mỗi công đoạn làm nhà của vợ chồng người Thái ở xã vùng cao này đều mang dấu ấn "đồng vốn thoát nghèo" của Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Con Cuông.

Thoát nghèo, an cư nhờ... bò ngân hàng - 1

Lãnh đạo Phòng giao dịch NHCSXH huyện Con Cuông kiểm tra việc sử dụng vốn ưu đãi tại bản Xằng, xã Lục Dạ (Ảnh: Hoàng Lam).

Lấy nhau khi tay trắng, vợ chồng anh Phim "ra riêng" với tấm giấy chứng nhận hộ nghèo. Năm 2006, qua Hội cựu chiến binh xã Lục Dạ, anh Phim được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của NHCSXH dành cho hộ nghèo.

Với khoản vay 50 triệu đồng được ngân hàng giải ngân, vợ chồng anh Phim mua 2 cặp bò về chăm nuôi. Nhờ chăm chỉ, chịu khó, lại ham tìm tòi học hỏi thêm về kỹ thuật chăn nuôi, vợ chồng anh Phim dần tăng số lượng đàn bò.

"Hồi đó trâu bò đang có giá nên chỉ sau 3 năm, vợ chồng tôi gom đủ tiền để trả ngân hàng, trước thời hạn 2 năm", anh Phim kể.

Một phần đàn bò bán để trả nợ, phần còn lại vợ chồng anh tiếp tục nuôi theo hướng tăng đàn. Không dừng lại ở việc chăn nuôi, anh Phim bàn với vợ làm hồ sơ xin vay 100 triệu đồng để trồng rừng.

"Vay vốn của NHCSXH lãi suất thấp hơn, thời gian thanh toán nợ dài hơn, lại có thể chia nhỏ tiền vay để trả theo kỳ hạn 6 tháng/lần, như thế là quá thuận tiện cho chúng tôi", anh Phim nói.

Năm 2024, vườn keo cho thu hoạch lứa đầu tiên, vợ chồng anh Phim "bỏ túi" 100 triệu đồng để tái đầu tư sản xuất, lo cho con cái.

Thoát nghèo, an cư nhờ... bò ngân hàng - 2

Từ 4 con bò ban đầu, chị Lô Thị Xin đã phát triển đàn bò, xây dựng nhà cửa khang trang và thoát nghèo thành công (Ảnh: Hoàng Lam).

Nhờ biết phát huy hiệu quả vốn vay ưu đãi, vợ chồng anh Phim đã xây dựng được cơ ngơi khang trang, kinh tế phát triển ổn định.

Năm 2022, gia đình anh Phim ra khỏi danh sách hộ nghèo của xã. Với đàn bò 14 con và 6ha rừng keo, vợ chồng anh Phim đang sở hữu khối tài sản khoảng 250 triệu đồng.

Ông Lữ Văn Chôồng, Chủ tịch Hội cựu chiến binh xã Lục Dạ, cho biết, hiện dư nợ cho vay của Phòng giao dịch NHCSXH huyện Con Cuông qua Hội cựu chiến binh xã là 17 tỷ đồng, trong đó vốn ưu đãi hộ nghèo trên 4,1 tỷ đồng, hộ cận nghèo 2,8 tỷ đồng...

"Phần lớn các hộ vay đều sử dụng hiệu quả đồng vốn. Từ nguồn vốn vay, nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo, ổn định đời sống, phát triển kinh tế như hộ anh Lô Văn Phim, ông Lô Văn Tư (bản Xằng), hộ ông Nguyễn Hữu Phúc (bản Liên Sơn)...", ông Chôồng cho hay.

Rời bản Xằng, theo chân cán bộ Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Con Cuông, chúng tôi đến thăm gia đình chị Trần Thị Hà (SN 1979, trú khối 5, thị trấn Trà Lân, huyện Con Cuông). Sau gần 20 năm sống trong căn nhà tạm bợ, xuống cấp, chật chội, cuối năm 2024, gia đình chị Hà đã xây dựng được ngôi nhà khang trang, bề thế.

"Căn nhà có trị giá gần 1 tỷ đồng, trong đó, 500 triệu đồng từ nguồn vốn vay xây dựng, sửa chữa nhà, phần còn lại vợ chồng tôi tích góp, vay mượn thêm. Tôi nghĩ an cư mới lạc nghiệp, khoản nợ này là động lực để hai vợ chồng tiếp tục phấn đấu, chắt góp, cố gắng trả hết cho ngân hàng sớm hơn thời hạn 20 năm dự kiến ban đầu", chị Hà tâm sự.

Cõng cơ hội thoát nghèo lên núi

Huyện Con Cuông nằm ở phía Tây Nam tỉnh Nghệ An, giáp nước bạn Lào với 73% dân cư là đồng bào dân tộc thiểu số. Địa hình rộng, chia cắt, giao thông đi lại khó khăn, trình độ của đại bộ phận nhân dân còn nhiều hạn chế khiến đời sống kinh tế, xã hội của bà con còn rất khó khăn.

Thoát nghèo, an cư nhờ... bò ngân hàng - 3

Cán bộ Phòng giao dịch NHCSXH huyện Con Cuông thăm khách hàng chương trình vay xây dựng, sửa chữa nhà ở trên địa bàn (Ảnh: Hoàng Lam).

Nhờ sự quyết tâm, đồng lòng của cán bộ và nhân dân, những năm qua công tác giảm nghèo bền vững của địa phương này đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Đến hết năm 2024, huyện Con Cuông còn 13,8% hộ nghèo, giảm hơn 9% so với năm 2020. 

Ông Nguyễn Việt Nam, Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Con Cuông, nói: "Từ năm 2020 đến nay, gần 1.000 tỷ đồng nguồn vốn chính sách xã hội qua các đơn vị ủy thác đã được chuyển tải đến hơn 78.000 lượt vay trên địa bàn. Bằng nguồn vốn vay ưu đãi này, nhiều hộ dân đã thoát nghèo, trở thành hộ khá. Không ít trường hợp người vay trả nợ trước thời hạn, có dư, quay lại gửi tiết kiệm".

Theo ông Nam, không chỉ chuyển tải nguồn vốn ưu đãi của nhà nước đến người dân, cán bộ NHCSXH phải giám sát để phát huy một cách hiệu quả, bền vững nhất từng đồng vốn nhân văn này.

Nếu không trực tiếp "vào bản" với cán bộ NHCSXH huyện Con Cuông, thật khó mường tượng được nhiệm vụ của những người bắc nhịp cầu đưa nguồn vốn của nhà nước đến với đồng bào miền núi nơi đây.

Lắc lư, xóc nảy trên chiếc ô tô gầm cao "vào bản", bà Nguyễn Thị Thu Hà, cán bộ tín dụng Phòng giao dịch NHCSXH huyện Con Cuông chỉ vào những ngôi nhà, rành rẽ nhắc về những khách hàng đang và đã vay vốn của đơn vị.

Thoát nghèo, an cư nhờ... bò ngân hàng - 4

Nguồn vốn vay hỗ trợ làm nhà giúp gia đình chị Trần Thị Hà an cư để lạc nghiệp (Ảnh: Hoàng Lam).

 "Mặc dù nguồn vốn của NHCSXH được chuyển tải thông qua các đơn vị ủy thác nhưng chúng tôi phải thường xuyên kiểm tra, đánh giá hiệu quả vốn vay, vừa động viên bà con trong sản xuất, kinh doanh. Phải đi đến nơi, nắm thật rõ để đồng vốn chính sách nhân văn của nhà nước phát huy hiệu quả tốt nhất khi đến tay người dân", bà Hà chia sẻ.

Bên cạnh đó, hàng năm, Phòng giao dịch NHCSXH huyện Con Cuông tổ chức các buổi tập huấn cho các đơn vị ủy thác (Hội cựu chiến binh, phụ nữ, nông dân, thanh niên), chính quyền các địa phương, tổ tiết kiệm và vay vốn từng xóm, bản.

Nhờ vậy, trong nhiều năm qua, nguồn vốn ưu đãi đã đến tay người dân đảm bảo đúng đối tượng, đúng mục đích và phát huy được hiệu quả tích cực, đóng góp quan trọng cùng chính quyền các cấp thực hiện thắng lợi các Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn.

"Cùng với chuyển tải nguồn vốn ưu đãi, góp phần quan trọng trong công tác giảm nghèo bền vững, điều chúng tôi tâm đắc nhất là qua các chương trình tín dụng đã làm thay đổi đời sống kinh tế, xã hội của người dân, thay đổi cách nghĩ, cách làm của họ. Nhiều hộ nghèo, hộ khó khăn đã thực sự có ý thức cao, trách nhiệm cao đối với số tiền được vay, nỗ lực, phấn đấu vươn lên trong cuộc sống", ông Nam nói.

Các tin khác

Miền Bắc tăng nhiệt mạnh

Hôm nay (2/4), miền Bắc chỉ còn rét về đêm và sáng, trưa chiều hửng nắng, ấm áp, nhiệt độ cao nhất khoảng 24-27 độ. Trong hai ngày 3-4/4, nền nhiệt tiếp tục tăng ở miền Bắc. Các khu vực khác hôm nay ít mưa, riêng Nam Bộ có mưa dông trái mùa.

Dự án khu công nghiệp lớn nhất Cần Thơ hiện ra sao?

Dự án Khu công nghiệp VSIP Cần Thơ đang bị chậm tiến độ do gặp nhiều vướng mắc, đặc biệt việc thiếu cát san lấp, chậm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thi công khu tái định cư và hai tuyến đường kết nối.

Chứng khoán lao dốc

Áp lực bán ngày càng mạnh khiến VN-Index mất hơn 10 điểm, nối dài mạch giảm phiên thứ tư liên tiếp và tiệm cận vùng tâm lý 1.300 điểm.

Thời tiết miền Bắc những ngày tới

Hôm nay (31/3), miền Bắc vẫn đang trong đỉnh điểm đợt rét lần này với nhiệt độ thấp nhất chỉ từ 12-15 độ, cao nhất 17-20 độ. Dự báo ngày mai, trời tiếp tục rét với nền nhiệt tương đương hôm nay. Từ 2/4, nhiệt độ cao nhất lên khoảng 23 độ. Từ 3/4, trời ấm dần, trưa chiều có nắng nhẹ.

Giá vàng tăng không ngừng

Sáng nay (30/3),giá vàng trong nước tiếp tục tăng mạnh. Cả vàng miếng SJC và vàng nhẫn đều tiến sát mốc 101 triệu đồng/lượng.

Bé gái 7 tuổi tử vong nghi bị chó dại cắn

Một cháu bé 7 tuổi tại Bắc Kạn đã tử vong sau khi có các biểu hiện lên cơn dại. Điều tra dịch tễ cho thấy gần 1 tháng trước, cháu bé bị chó cắn vào tay nhưng không được tiêm phòng kịp thời.