ThS.BS Nguyễn Thị Oanh, khoa Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết như trên, giải thích thêm rằng vòng eo lớn liên quan lượng mỡ nội tạng cao. Mỡ nằm sâu bên trong ổ bụng, bao quanh các cơ quan như gan, tụy và ruột. Lớp mỡ này gọi là mỡ nội tạng, nguy hiểm hơn mỡ dưới da do có thể gây ra nhiều vấn đề lo ngại đối với sức khỏe. Nguy cơ tăng huyết áp, đột quỵ xảy ra với người thừa cân, béo phì hoặc người có cân nặng bình thường (chỉ số BMI trong giới hạn cho phép) nhưng vòng eo vượt chuẩn.
"Mỡ nội tạng có thể làm gia tăng tình trạng viêm, tăng quá trình xơ vữa động mạch, khiến các mạch máu hẹp và cứng hơn, theo đó nguy cơ nhồi máu cơ tim cao hơn", bác sĩ Oanh nói. Mỡ nội tạng còn cản trở khả năng hoạt động của insulin, gây ra tình trạng kháng insulin. Khi cơ thể không thể sử dụng insulin hiệu quả, mức đường huyết cao, làm tăng nguy cơ mắc bệnh mạch vành - một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở người trưởng thành. Mỡ nội tạng còn làm tăng lượng mỡ trong máu, đặc biệt là cholesterol xấu (LDL) và triglyceride, khiến tình trạng xơ vữa động mạch trầm trọng hơn.
Mỡ nội tạng không chỉ ảnh hưởng đến mạch máu mà còn tạo thêm áp lực lên tim, khiến tim phải làm việc vất vả hơn để cung cấp máu cho cơ thể. Khi tim quá tải, hiệu quả bơm máu giảm sút, có nguy cơ suy tim. Tình trạng này làm suy giảm chất lượng cuộc sống và còn có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng khác.
Ngoài ảnh hưởng lên hệ tim mạch, mỡ nội tạng cao còn dẫn tới các vấn đề sức khỏe khác như hội chứng chuyển hóa, bệnh gan nhiễm mỡ.

Vòng eo lớn thường đồng nghĩa với lượng mỡ nội tạng cao, làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Để giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, bác sĩ Oanh khuyến cáo mọi người nên duy trì số đo vòng eo trong giới hạn để giảm lượng mỡ nội tạng. Chỉ số vòng eo khuyến nghị ở nam giới nên dưới 94 cm và nữ giới nên dưới 80 cm.
Mỗi người nên duy trì lối sống năng động và khoa học. Tập luyện thể dục đều đặn ít nhất 150 phút mỗi tuần với các hình thức như đi bộ nhanh, đạp xe, bơi lội hoặc tập aerobic. Ưu tiên thực phẩm lành mạnh như rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, các loại đạm tốt (cá, đậu, thịt nạc), hạn chế tiêu thụ thực phẩm giàu chất béo bão hòa, đường tinh luyện và muối.
Kiểm soát căng thẳng bằng các phương pháp như thiền, yoga, hít thở sâu hoặc thư giãn với thiên nhiên giúp điều hòa hormone stress - yếu tố góp phần tích tụ mỡ bụng. Giấc ngủ cũng đóng vai trò quan trọng, nên ngủ đủ 7-9 tiếng mỗi đêm để ổn định nội tiết, hỗ trợ chuyển hóa và kiểm soát cân nặng hiệu quả hơn.
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh tim mạch tại đây để bác sĩ giải đáp |