Kỹ năng sống

Những thời điểm tránh ăn chuối

Tóm tắt:
  • Ăn chuối không đúng thời điểm có thể gây hại cho sức khỏe, đặc biệt với một số nhóm người.
  • Thói quen ăn chuối vào buổi sáng khi bụng đói có thể gây mất cân bằng điện giải và cảm giác mệt mỏi.
  • Chuối chứa serotonin có thể gây buồn ngủ, không nên ăn khi cần tập trung.
  • Người bệnh tiểu đường, có vấn đề về răng miệng hay suy thận nên cẩn trọng khi ăn chuối.
  • Thay vì ăn theo thói quen, cần xem xét thời điểm và cách ăn chuối để tối đa lợi ích.

Theo lương y Bùi Đắc Sáng, Hội Đông Y Hà Nội, việc sử dụng chuối không đúng thời điểm không những không tốt mà còn có thể gây ra nhiều tác động xấu cho sức khỏe.

Nhiều người có thói quen ăn chuối vào buổi sáng, thậm chí ăn chuối khi bụng đang đói với suy nghĩ đây là cách bổ sung năng lượng nhanh chóng. Nhưng thực tế, điều này có thể gây hại nhiều hơn lợi.

Chuối chứa lượng lớn kali và magie – hai khoáng chất cần thiết cho cơ thể, nhưng nếu nạp vào khi dạ dày còn rỗng, chúng có thể khiến cơ thể mất cân bằng điện giải, ảnh hưởng đến hệ tim mạch và gây cảm giác mệt mỏi, chướng bụng. Ăn chuối khi bụng đói còn khiến người ăn thấy khó chịu, uể oải và ảnh hưởng tiêu cực đến hệ tiêu hóa.

Đặc biệt, buổi sáng – thời điểm tưởng chừng lý tưởng để nạp năng lượng – lại không phải là lúc nên ăn chuối, nhất là khi bạn đang cần sự tỉnh táo. Chuối chín chứa nhiều serotonin, chất có khả năng gây buồn ngủ.

Vì thế, nếu ăn chuối vào đầu ngày hoặc khi đang cần tập trung cao độ cho công việc, học tập, bạn có thể thấy mình trở nên thiếu linh hoạt, giảm hiệu suất hoạt động trí não. Tốt nhất, chuối nên được dùng sau bữa trưa hoặc vào buổi tối khi cơ thể có đủ năng lượng và không cần làm việc trí óc quá căng thẳng.

Không chỉ sai thời điểm, chuối cũng không phù hợp với một số nhóm người. Với người bệnh tiểu đường, hàm lượng đường cao trong chuối có thể khiến đường huyết tăng vọt nếu ăn quá nhiều.

Người đang gặp vấn đề về răng miệng như sâu răng cũng nên cẩn trọng, bởi ăn chuối thường xuyên có thể làm hỏng men răng nếu không vệ sinh kỹ sau đó. Với người bị suy thận, lượng kali (K+) dồi dào trong chuối có thể trở thành gánh nặng cho chức năng lọc của thận, khiến tình trạng bệnh trầm trọng hơn.

Với những ai đang nỗ lực kiểm soát cân nặng, chuối lại là “con dao hai lưỡi”. Một quả chuối trung bình chứa khoảng 100-120 calo, ăn quá hai quả mỗi ngày tương đương với việc bạn nạp thêm hơn 300 calo – mức năng lượng không nhỏ nếu bạn đang cố gắng giảm cân. Đặc biệt, nếu đã ăn các loại trái cây khác giàu đường và kali như dưa hấu trong ngày, thì càng nên tránh dùng thêm chuối.

Chuối từ lâu được xem là loại quả dân dã, dễ ăn và giàu dưỡng chất. (Ảnh minh hoạ)

Chuối từ lâu được xem là loại quả dân dã, dễ ăn và giàu dưỡng chất. (Ảnh minh hoạ)

Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng chuối vẫn là loại trái cây quý nếu biết sử dụng đúng cách. Chuối xanh cả vỏ thái lát, phơi hoặc sấy khô rồi tán bột, dùng mỗi ngày có thể kích thích màng nhầy dạ dày phát triển, hỗ trợ phòng chống loét.

Hoa chuối thái nhỏ, luộc ăn cùng muối vừng hoặc muối lạc cũng là món ăn dân gian giúp phụ nữ sau sinh lợi sữa. Ngoài ra, chuối hột chín được cho là có tác dụng trị giun đũa nếu ăn từ 1 đến 3 quả mỗi ngày. Thậm chí, chuối xanh non còn được dùng để chữa hắc lào: chỉ cần bẻ chuối vừa hái, cắt lát để lấy nhựa và bôi trực tiếp lên vùng da bị tổn thương, ngày 2-3 lần sẽ giúp bệnh thuyên giảm rõ rệt.

Tóm lại, chuối là món quà tự nhiên tuyệt vời, nhưng không phải lúc nào cũng nên ăn. Việc lựa chọn thời điểm ăn, số lượng ăn và thể trạng cá nhân là những yếu tố quan trọng để chuối phát huy tối đa lợi ích mà không gây hại cho cơ thể. Thay vì ăn theo thói quen, hãy ăn chuối một cách thông minh - đúng lúc, đúng người và đúng cách.

Các tin khác