Trả lời:
Thủng màng nhĩ là tình trạng màng nhĩ (lớp màng mỏng trong suốt ngăn tai ngoài và tai giữa) thủng, rách, gây suy giảm chức năng nghe, viêm tai giữa. Triệu chứng thường gặp như đau tai, ù tai, chảy dịch tai, suy giảm thính lực, buồn nôn, nôn, chóng mặt.
Nghe kém (khiếm thính) là tình trạng người bệnh có thể nghe âm thanh, nhưng không rõ, dù tiếng động, cường độ âm thanh bình thường, chỉ nghe thấy những âm thanh rất lớn. Triệu chứng gồm cảm nhận âm thanh rất nhỏ, khó hiểu lời nói của người khác, nghe thông tin lẫn lộn, không phân biệt được âm thanh, ù tai.
Có nhiều nguyên nhân gây nghe kém như di truyền, biến chứng khi phụ nữ mang thai, thủng màng nhĩ, ráy tai tích tụ, một số thuốc điều trị nhiễm khuẩn gây chết tế bào lông của ốc tai... Nghe kém không chỉ do thủng màng nhĩ, bạn nên đến bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng nội soi tai, xác định chính xác nguyên nhân. Bác sĩ cũng có thể chỉ định đo thính lực để đánh giá khả năng nghe, từ đó chẩn đoán và điều trị phù hợp.
Điều trị nghe kém phụ thuộc vào nguyên nhân gây giảm thính lực và mức độ nghiêm trọng của bệnh. Nếu nghe kém vì ráy tai tích tụ thì cần lấy ráy. Trường hợp nguyên nhân do nhiễm trùng tai mạn tính, bạn có thể phải uống thuốc. Thuốc điều trị nhiễm trùng tai do bác sĩ chỉ định không trực tiếp cải thiện thính lực mà nhằm giải quyết nguyên nhân, khắc phục triệu chứng. Sau khi khỏi bệnh, thính lực hồi phục dần theo thời gian.

Giáo sư Thủy và bác sĩ Hằng trong một ca phẫu thuật cấy điện cực ốc tai. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Nếu nghe kém do thủng nhĩ, đồng thời vết rách, thủng trên màng nhĩ không lành theo thời gian, gây nhiễm trùng, ứ dịch, suy giảm, viêm tai xương chũm nặng..., bác sĩ cân nhắc chỉ định phẫu thuật vá màng nhĩ. Vá màng nhĩ giúp ngăn chặn nhiễm trùng lan rộng vào xương chũm, phục hồi một phần sức nghe. Với trường hợp viêm tai xương chũm nặng, bác sĩ có thể thực hiện khoan xương chũm mở sào bào thượng nhĩ, sau đó vá màng nhĩ.
Trường hợp giảm thính lực liên quan thần kinh thính giác do lão hóa, nhiễm trùng, tiếp xúc âm thanh cường độ lớn kéo dài, bác sĩ chỉ định người bệnh sử dụng máy trợ thính để hỗ trợ phục hồi chức năng thính giác.
Người bệnh điếc sâu, nghe kém trên 90 dB đã dùng máy trợ thính nhưng ít hoặc không hiệu quả thì cấy điện cực ốc tai là phương pháp giúp phục hồi hiệu quả thính lực. Cấy ốc tai điện tử áp dụng cho trẻ em (từ 12 tháng tuổi trở lên), người lớn, kể cả người lớn tuổi nghe kém hoặc điếc sâu (trên 90 dB) ở cả hai tai. Phương pháp này chống chỉ định khi viêm tai giữa đang tiến triển, chậm phát triển tâm thần, có các bệnh nền nặng như tim mạch, thiếu máu, bệnh di truyền...
Để phòng nghe kém, bạn nên giảm tiếp xúc với tiếng ồn lớn, hạn chế nước vô tai để ngăn ngừa nhiễm trùng tai nặng hơn.
Trưởng khoa Tai Mũi Họng, Trung tâm Tai Mũi Họng
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tai mũi họng tại đây để bác sĩ giải đáp |