Thời tiết chuyển nhanh từ mưa giông sang nắng nóng gay gắt do không khí lạnh suy yếu nhanh và áp thấp nóng Ấn Miến phía tây tràn sang. Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ cho biết, hiện tại, áp cao lạnh ở phía bắc tiếp tục di chuyển về phía nam, tăng cường yếu xuống Nam bộ khiến các nhiễu động trên khu vực có điều kiện phát triển mạnh hơn. Trên cao, áp cao cận nhiệt đới có trục qua nam Trung bộ nâng trục chậm lên phía bắc, qua trung Trung bộ.

Những ngày đầu tuần TP.HCM tiếp tục có mưa giông, cuối tuần nắng nóng
ẢNH: CHÍ NHÂN
Do vậy, trong những ngày qua, mưa giông phát triển mạnh thường xuyên gây mưa trên khu vực Nam bộ. Mưa sẽ kéo dài đến khoảng ngày 16.4. Do ảnh hưởng của không khí lạnh và mưa nên nhiệt độ cao nhất tại TP.HCM từ 33 - 34 độ C, còn các tỉnh miền Đông từ 34 - 35 độ C.
Áp cao lạnh lục địa có cường độ ổn định sau suy yếu dần tạo điều kiện cho vùng áp thấp nóng phía tây hoạt động mạnh lên. Khoảng ngày 17.4 có xu hướng mở rộng về phía đông và ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta khiến nhiệt độ tăng nhanh lên 35 - 36 độ C. Tại TP.HCM và các tỉnh miền Đông có thể xuất hiện nắng nóng gay gắt với mức nhiệt lên tới 37 độ C từ ngày 19.4.
Tại TP.HCM, do mức độ đô thị hóa cao nên nhiệt độ cảm nhận có thể cao hơn nhiệt độ khí tượng từ 2 - 4 độ C, thậm chí hơn. Thời tiết có nắng mạnh, độ ẩm thấp khiến không khí ngoài trời nóng và hanh khô dễ gây cháy nổ, ảnh hưởng tới sức khỏe.
Cảnh báo mưa giông lớn gây lũ quét và sạt lở đất nhiều nơi
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, do ảnh hưởng của không khí lạnh nên trong những ngày qua ở khu vực phía tây Bắc bộ, Bắc Trung bộ và Tây nguyên có mưa vừa đến mưa to thậm chí mưa rất to.
Chẳng hạn, Nùng Nàng (Lai Châu) 76,6mm, Bản Cái (Yến Bái) 73,4 mm, Nga Sơn (Thanh Hóa) 134,4 mm, Hồ Mạc Khê (Hà Tĩnh) 116 mm, Bắc Trạch (Quảng Bình) 94,6 mm, Bảo Lâm (Lâm Đồng) 55,4mm, Đắk Rlấp (Đắk Nông) 53,2mm… Mô hình độ ẩm đất cho thấy, một số khu vực thuộc các tỉnh trên đã gần bão hòa (trên 85%) hoặc đạt trạng thái bão hòa. Cảnh báo nguy cơ lũ quét, sạt lở đất ở các khu vực trên. Kiến nghị các cơ quan chức năng tại địa phương lưu ý rà soát các điểm nghẽn dòng, các vị trí xung yếu trên địa bàn để có biện pháp phòng tránh, ứng phó.