Trả lời:
Một người bình thường cần bổ sung khoảng 150-300 microgam iốt mỗi ngày để hỗ trợ sản xuất hormone tuyến giáp. Tuy nhiên, trước khi uống thuốc iốt phóng xạ, bạn cần hạn chế tiêu thụ iốt, giảm hàm lượng dưới 50 mcg/ngày trong vòng 1-2 tuần để điều trị đạt hiệu quả cao. Bởi khi cơ thể có đủ iốt, tuyến giáp sẽ dùng lượng iốt này thay vì thuốc iốt phóng xạ, làm ảnh hưởng đến kết quả điều trị. Bên cạnh đó, bạn nên kiêng các thực phẩm chứa muối iốt, sản phẩm từ sữa, trứng, hải sản, đậu nành, hạn chế thịt bò và thịt gà... trong khoảng 1-2 tuần.
Trong quá trình uống iốt phóng xạ, bạn có thể gặp các tác dụng phụ như đau, sưng cổ, buồn nôn, khô miệng, thay đổi vị giác, sưng tuyến nước bọt... song thường cải thiện sau 1-2 tuần. Bạn có thể nhai, ngậm kẹo chanh, kẹo chua, kẹo cao su trong khoảng một tuần hoặc lâu hơn giúp giảm sưng tuyến nước bọt. Uống nhiều nước, tiểu nhiều lần để giảm bức xạ tác động lâu lên bàng quang...

Bác sĩ Mạnh tư vấn cho người bệnh. Ảnh minh họa: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Sau điều trị, người bệnh cần thời gian cho quá trình đào thải bức xạ. Tùy liều lượng iốt phóng xạ và tình trạng sức khỏe, người bệnh có thể cách ly trong phòng riêng tại bệnh viện để ngăn phơi nhiễm phóng xạ cho người xung quanh. Một số trường hợp có thể về nhà ngay sau điều trị nhưng cần ở trong phòng riêng, tránh tiếp xúc người xung quanh khoảng 2-3 tuần.
Iốt phóng xạ là phương pháp được chỉ định cho người bệnh ung thư tuyến giáp nguy cơ trung bình hoặc nguy cơ cao. Sau phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến giáp, có thể phải nạo hạch cổ, người bệnh cần uống iốt phóng xạ để hạn chế nguy cơ tái phát, di căn.
Tùy vào yếu tố nguy cơ của từng người bệnh, với ung thư tuyến giáp dạng nhú, dạng nang hoặc dạng tế bào Hurthle, bác sĩ chỉ định liều iốt phóng xạ phù hợp. Tuyến giáp hấp thụ iốt phóng xạ để tiêu diệt mô bướu ác tính còn sót lại.
Khoa Ngoại Vú - Đầu Mặt Cổ
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh ung thư tại đây để bác sĩ giải đáp |