
"Hộp đen" có màu cam để nổi bật và dễ dàng được tìm thấy tại hiện trường vụ tai nạn (Ảnh: Getty Images).
Nguồn gốc hộp đen
Vào giữa những năm 1950, trong khi điều tra một loạt các vụ tai nạn bí ẩn của de Havilland Comet - chiếc máy bay phản lực thương mại đầu tiên trên thế giới, nhà khoa học người Úc về dữ liệu hàng không David Warren đã nghĩ ra một giải pháp có thể hỗ trợ cho tất cả các cuộc điều tra hàng không trong tương lai.
Đó là một máy ghi âm chuyến bay. Ý tưởng của ông là tạo ra một bản ghi chép về tình trạng chuyến bay, chẳng hạn như tốc độ và độ cao, và một đoạn băng ghi lại phản ứng của phi công ngay trước khi xảy ra tai nạn.
Ông Warren khi đó là một nhà khoa học 28 tuổi, làm việc tại Phòng thí nghiệm Nghiên cứu Hàng không ở Melbourne, Úc, tin rằng công cụ này nên được đặt trên tất cả các máy bay.
Mặc dù ý tưởng này không thành hiện thực ngay lập tức, nhưng sáng kiến của ông sau này đã trở thành một cột mốc quan trọng trong quy trình an toàn của máy bay hiện đại.
Sau này, hộp đen đã hỗ trợ nhiều cuộc điều tra tai nạn máy bay, kể cả máy bay thương mại và trực thăng. Vậy hộp đen ghi lại thông tin gì?
Trước tiên, chúng ta hãy cùng tìm hiểu hộp đen thực sự là gì.
Hộp đen máy bay có hai phần riêng biệt: máy ghi dữ liệu và máy ghi âm giọng nói. "Máy ghi dữ liệu cho biết điều gì đã xảy ra, còn máy ghi âm giọng nói cho biết lý do tại sao điều đó xảy ra" - nhà khoa học hàng không David Esser ở Trường đại học Hàng không Embry-Riddle, Florida, Mỹ, giải thích.
Máy ghi dữ liệu chuyến bay nằm ở đuôi máy bay, là bộ phận có nhiều khả năng được giữ lại nhất sau vụ tai nạn, còn máy ghi âm giọng nói được đặt bên trong buồng lái để ghi lại cuộc trò chuyện của phi công và các âm thanh khác có thể gợi ý về những gì đã xảy ra ngay trước tai nạn.
Mỗi máy ghi âm này đều được trang bị bộ phận phát tín hiệu âm thanh để dễ tìm hơn trong trường hợp xảy ra tai nạn trên mặt nước.
Mặc dù được gọi là hộp đen, nhưng thực tế chúng được sơn màu cam để nổi bật và dễ được nhìn thấy trên hiện trường vụ tai nạn. Thuật ngữ "hộp đen" có thể được mượn từ lĩnh vực điện toán, nói về một hệ thống có đầu vào và đầu ra với cơ chế bên trong thường chỉ những người có chuyên môn mới hiểu rõ.
Ông Abdalla Elazaly - kỹ sư về hệ thống tiên tiến, làm việc cho hãng Honeywell chuyên cung cấp hộp đen cho các nhà sản xuất máy bay như Boeing và Airbus - cho biết thiết bị này được chế tạo để chịu được điều kiện khắc nghiệt như va chạm mạnh, hỏa hoạn và áp suất dưới biển sâu. Vỏ của chúng được chế tạo từ các vật liệu bền chắc như titan hoặc thép không gỉ.
Tuy nhiên, vẫn có một số tình huống nhất định có thể khiến hộp đen không hoạt động, ví dụ như mất điện hoàn toàn trên máy bay, tiếp xúc lâu dài với hỏa hoạn hoặc môi trường nước sâu và va chạm tốc độ cao.
Hộp đen ghi lại những gì?
Theo Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ (NTSB), một số hộp đen có thể lưu giữ ít nhất 88 thông số của hoạt động bay, bao gồm thời gian, độ cao và tốc độ không khí liên tục trong 25 giờ.
Ngoài ra, chúng còn ghi lại hơn 1.000 điểm dữ liệu bên trong máy bay có thể hỗ trợ cho các cuộc điều tra. Ví dụ, nó cho biết báo động khói có được kích hoạt hay không và khi nào, vị trí cánh tà của máy bay và khi nào máy bay chuyển sang chế độ lái tự động.
Máy ghi âm buồng lái thu được các âm thanh như tiếng ồn của động cơ, chuyển động của bánh đáp, tiếng bật công tắc và các cảnh báo khác bên trong buồng lái.
Máy ghi âm thường được kết nối với micro trên cao ở giữa hai phi công. Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) yêu cầu máy bay thương mại phải có máy ghi âm có khả năng ghi âm liên tục ít nhất 25 giờ.
Trong trường hợp xảy ra tai nạn, hộp đen cung cấp thông tin quan trọng có thể xác định nguyên nhân gây ra tai nạn. Chỉ những thành viên của ban điều tra tai nạn, chẳng hạn như NTSB, FAA và các cơ quan có liên quan khác, mới có thể truy cập thông tin từ thiết bị này.
Không giống như các thiết kế trước đây sử dụng băng từ, thông tin trong hộp đen hiện đại được lưu trữ trong thẻ nhớ thể rắn, giống như loại được sử dụng trong máy tính xách tay và điện thoại di động.
Bước đầu tiên trong quá trình khôi phục bao gồm đảm bảo rằng thẻ nhớ còn nguyên vẹn và tạo bản sao thông tin. Một cuộc điều tra có thể mất một tháng hoặc nhiều năm để hoàn tất, tùy thuộc vào bản chất của vụ tai nạn.
Bên cạnh việc điều tra tai nạn, hộp đen cung cấp thông tin an toàn có giá trị cho các hãng hàng không trong quá trình hoạt động bình thường. Một số hãng hàng không thương mại hợp tác với FAA theo chương trình tự nguyện, được gọi là chương trình Đảm bảo Chất lượng hoạt động bay, cho phép các hãng hàng không tải xuống một phần dữ liệu chuyến bay để kiểm soát chất lượng.
Ví dụ, FAA có thể kiểm tra mức sử dụng nhiên liệu, các vấn đề tiềm ẩn của động cơ hoặc các hoạt động kém hiệu quả khác. Mục đích của việc phối hợp khai thác thông tin này là xác định xu hướng có thể xảy ra sự cố hoặc tai nạn trước khi vấn đề thực sự xảy ra trong tương lai.
Mặc dù hộp đen lưu trữ thông tin có giá trị, nhưng chúng chỉ có thể được truy cập sau chuyến bay. Hạn chế này có thể trở thành vấn đề trong trường hợp nó bị hỏng hoặc không thể phục hồi.
Hiện nay, các cơ quan chức năng đang xem xét một số sáng kiến đề xuất cho phép truyền dữ liệu thời gian thực từ hộp đen có thể giúp khắc phục hạn chế này. Nhà khoa học hàng không Esser nói rằng "Công nghệ hiện đã có; chỉ là vấn đề triển khai".