Doanh nghiệp

Hơn 10 năm "lăn lóc" doanh nghiệp vẫn không thể tiếp cận tín dụng xanh

Tóm tắt:
  • Doanh nghiệp Việt Long gặp khó khăn khi tiếp cận tín dụng xanh suốt hơn 10 năm.
  • Công ty tiêu hủy 500 tấn rác thải mỗi ngày và muốn chuyển đổi quy trình sản xuất.
  • Ông Lê Quang Thắng kêu gọi quy định cụ thể về dự án xanh cho từng ngành.
  • Agribank đã triển khai chương trình tín dụng xanh nhưng doanh nghiệp khó tiếp cận.
  • Cần sự phối hợp giữa các bộ, ngành để hoàn thiện chính sách và giảm rủi ro cho ngân hàng.

"Nguồn vốn xanh quá xa vời"

Công ty CP đầu tư và xây dựng Việt Long hoạt động trong lĩnh vực chính là xử lý chất thải và sản xuất kinh doanh thực phẩm.

Chia sẻ tại hội thảo "Khơi thông dòng vốn tín dụng xanh" chiều 25.4, tại Hà Nội, ông Lê Quang Thắng, Chủ tịch Hội đồng quản trị doanh nghiệp này, cho biết: hàng ngày, công ty thường tiêu hủy bình quân 500 tấn rác thải sinh hoạt và chất thải công nghiệp thông thường.

Hơn 10 năm 'lăn lóc' doanh nghiệp vẫn không thể tiếp cận tín dụng xanh- Ảnh 1.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP đầu tư và xây dựng Việt Long Lê Quang Thắng nhấn mạnh, tiếp cận nguồn vốn xanh là việc quá xa vời với doanh nghiệp

ẢNH: LĐ

Thời gian tới, doanh nghiệp xác định tiếp tục duy trì, mở rộng quy mô xử lý chất thải, chuyển từ nhà máy đốt rác không tận dụng nhiệt hiện nay thành nhà máy đốt rác phát điện công suất 10 MW. Dự kiến, nguồn vốn cho nhà máy khoảng 1.500 tỉ đồng.

"Trong quá trình xây dựng, hình thành, chúng tôi gặp không ít khó khăn khi tiếp cận các nguồn lực, đặc biệt là nguồn tín dụng. Đối với một doanh nghiệp, tiếp cận nguồn vốn xanh gần như là việc quá xa vời", ông Thắng nhấn mạnh.

Vị doanh nhân lý giải, ngân hàng có thể không đưa được doanh nghiệp vào danh mục "xanh" vì chưa có tiêu chí xanh cho từng ngành, từng lĩnh vực.

"Trong việc xây dựng nhà máy xử lý chất thải và sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, đến nay đã hơn 10 năm, chúng tôi tiếp cận nhiều ngân hàng, mất rất nhiều công làm hồ sơ nhưng vẫn không thể tiếp cận được tín dụng xanh", ông Thắng nói.

Vị này đề xuất Nhà nước có quy định cụ thể về các dự án xanh cho từng ngành, từng lĩnh vực. Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại xem xét có chính sách tín dụng, lãi suất tốt hơn đối với các doanh nghiệp xanh.

Ngân hàng nói gì?

Ngay sau phần phát biểu của ông Thắng, bà Phùng Thị Bình, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), thông tin, từ năm 2017, đơn vị đã triển khai nhiều chương trình tín dụng ưu đãi để hỗ trợ sản xuất xanh.

Hơn 10 năm 'lăn lóc' doanh nghiệp vẫn không thể tiếp cận tín dụng xanh- Ảnh 2.

Bà Phùng Thị Bình, Phó tổng giám đốc Agribank, phát biểu tại sự kiện

ẢNH: LĐ

Ngân hàng luôn sẵn sàng cung cấp tín dụng xanh, vấn đề lớn nhất vẫn là khả năng tiếp cận thực tế của doanh nghiệp. Nhiều mô hình thí điểm chuỗi giá trị nông nghiệp trước đây như mô hình trồng hoa lan ở Đà Lạt (Lâm Đồng) từng được đầu tư mạnh nhưng vẫn không phát huy hiệu quả như kỳ vọng.

Từ thực tế này, ngân hàng buộc phải thay đổi phương thức triển khai, hướng đến cho vay toàn bộ chuỗi giá trị từ đầu vào đến tiêu thụ để kiểm soát rủi ro, nâng cao hiệu quả đầu tư.

Một vấn đề khác khiến ngân hàng khó thẩm định là tài sản bảo đảm. Doanh nghiệp nông nghiệp thường thuê đất trả tiền hằng năm hoặc sử dụng đất công, không đủ điều kiện thế chấp. Tài sản đầu tư trên đất như nhà kính, nhà lưới lại không được ghi nhận là sở hữu, dẫn đến ngân hàng không thể định giá để làm tài sản đảm bảo. "Dù đã nhiều lần kiến nghị, đến nay quy định vẫn chưa được điều chỉnh phù hợp", bà Bình nói.

Đại diện Agribank cũng nêu vướng mắc trong các dự án đầu tư xanh như điện sinh khối, điện rác. Các dự án này có quy mô lớn, đòi hỏi nguồn vốn đầu tư cao, nhưng lại không có hiệu quả tài chính rõ ràng.

"Một số dự án điện sinh khối nếu làm được thì rất tốt, nhưng lại yêu cầu chuỗi sản xuất rừng - chế biến - phát điện phải vận hành đồng bộ, trong khi thực tế chưa có mô hình nào hoàn chỉnh. Ngân hàng không thể cho vay khi không chắc chắn khả năng thu hồi vốn", đại diện Agribank nhấn mạnh.

Theo bà Bình, muốn phát triển tín dụng xanh thực chất và bền vững, cần sự phối hợp đồng bộ giữa các bộ, ngành để hoàn thiện chính sách, tạo hành lang pháp lý rõ ràng và giảm rủi ro cho các ngân hàng thương mại khi tham gia vào dòng vốn đặc thù này.

Theo ông Nguyễn Bá Hùng, chuyên gia Kinh tế trưởng tại Việt Nam, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), thời gian tới, Việt Nam cần hoàn thiện khung pháp lý cho tín dụng xanh và nâng cao năng lực của các tổ chức tài chính. Cạnh đó, Việt Nam cũng cần tiếp tục thu hút và khai thác nguồn vốn xanh quốc tế.

Các tin khác

Hệ tiêu hóa ảnh hưởng đề kháng thế nào?

TS.BS Phạm Lê Duy, Giảng viên bộ môn Sinh lý - Sinh lý bệnh - Miễn dịch, Đại học Y Dược TPHCM cho biết, hệ tiêu hóa khỏe góp phần xây dựng hệ miễn dịch, giúp cơ thể chống lại các tác nhân gây bệnh, trong đó có virus cúm.

Vàng ở Mỹ lại cắm đầu lao dốc

Giá vàng giảm mạnh vào phiên giao dịch Mỹ ngày 25.4. Kim loại quý từ mức 3.297 USD/ounce xuống 3.268 USD/ounce. Tổng mức giảm giá của vàng trong ngày lên 80 USD/ounce, tương đương 2,3%.