Hội chứng Kleine-Levin (KLS) là rối loạn ít gặp gây ra các đợt buồn ngủ quá mức lặp đi lặp lại, nên thường được gọi là "hội chứng người đẹp ngủ". Các đợt buồn ngủ có thể đến rồi đi liên tiếp trong một thời gian dài, đôi khi tới 10 năm.
Hội chứng kéo dài dai dẳng có thể ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt, công việc, gây lo lắng. Nếu cảm thấy đói hơn và ăn quá nhiều trong các đợt bùng phát, người bệnh còn nhiều khả năng bị tăng cân.
Triệu chứng
Người mắc KLS có thể không xuất hiện các triệu chứng hằng ngày, cũng không có bất kỳ triệu chứng nào giữa các đợt nghỉ của bệnh. Khi xuất hiện, triệu chứng có thể kéo dài vài ngày, vài tuần hoặc thậm chí vài tháng.
Dấu hiệu điển hình là buồn ngủ cực độ, chỉ muốn đi ngủ và khó thức dậy vào buổi sáng. Một số trường hợp có thể ngủ tới 20 giờ mỗi ngày. Người bệnh có thể chỉ thức dậy để đi vệ sinh và ăn uống, sau đó lại ngủ tiếp. Khi hội chứng bùng phát, người bệnh thường khó tập trung học tập, làm việc hay tham gia các hoạt động khác. Có người mệt mỏi đến mức nằm liệt giường cho đến khi một đợt bùng phát qua đi.
KLS cũng có thể gây ra những thay đổi về hành vi và lú lẫn, khiến người bệnh bị ảo giác, mất phương, hướng, cáu kỉnh, có hành vi như trẻ con, tăng cảm giác thèm ăn, ham muốn tình dục quá mức. Điều này có thể do lưu lượng máu đến các bộ phận của não giảm.
KLS là một tình trạng không thể đoán trước. Các cơn buồn ngủ có thể tái phát đột ngột và không có cảnh báo trước sau nhiều tuần, nhiều tháng hoặc nhiều năm. Hầu hết mọi người tiếp tục hoạt động bình thường sau đó mà không có bất kỳ rối loạn hành vi hoặc thể chất nào. Tuy nhiên, họ thường nhớ rất ít về những gì đã xảy ra trong đợt bùng phát.
Nguyên nhân
Rối loạn này có thể ảnh hưởng đến bất kỳ ai, nhưng phần lớn người bệnh là nam giới, nhất là trong độ tuổi thiếu niên.
Nguyên nhân chính xác chưa xác định, nhưng một số bác sĩ cho rằng các yếu tố nhất định có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Ví dụ, KLS có thể phát sinh từ chấn thương ở vùng dưới đồi - phần não kiểm soát giấc ngủ, sự thèm ăn và nhiệt độ cơ thể.
Một số người mắc hội chứng này sau khi bị nhiễm trùng như cúm. Điều này khiến các nhà nghiên cứu tin rằng KLS có thể là một loại rối loạn tự miễn dịch - tức hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công các mô khỏe mạnh của chính nó.
Một số trường hợp có thể là do di truyền vì ảnh hưởng đến nhiều hơn một người trong gia đình.
Chẩn đoán, điều trị
Hội chứng "người đẹp ngủ" là rối loạn khó chẩn đoán vì có các triệu chứng dễ bị nhầm là rối loạn tâm thần. Không có xét nghiệm nào giúp bác sĩ xác nhận tình trạng này.
Bác sĩ có thể thực hiện một loạt xét nghiệm để loại trừ các bệnh tiềm năng khác, như xét nghiệm máu, nghiên cứu giấc ngủ, chụp CT hoặc MRI đầu. Từ đó, bác sĩ kiểm tra và loại trừ các tình trạng như bệnh tiểu đường, suy giáp, khối u, viêm, nhiễm trùng, các rối loạn giấc ngủ khác, các tình trạng thần kinh như bệnh đa xơ cứng. Buồn ngủ quá mức cũng là đặc điểm của bệnh trầm cảm nên bác sĩ có thể đề nghị đánh giá sức khỏe tâm thần.
Một số loại thuốc giúp kiểm soát các triệu chứng của KLS, thúc đẩy sự tỉnh táo và giảm buồn ngủ, đồng thời rút ngắn thời gian của một đợt bùng phát và ngăn ngừa các đợt khác trong tương lai.
Trao đổi với bác sĩ giúp xác định đợt bùng phát sắp xảy ra, tránh những nguy cơ như chấn thương, tai nạn do buồn ngủ quá mức khi di chuyển. Các triệu chứng thường giảm dần theo từng năm, các đợt bệnh sau trở nên nhẹ và ít xảy ra hơn.
Hội chứng có thể biến mất vào một ngày nào đó và không còn tái diễn. Người mắc KLS thường được coi là "đã khỏi" khi không bị tái phát từ 6 năm trở lên.
(Theo Healthline)