Doanh nghiệp

Dự án truyền tải điện quan trọng ở "thủ phủ tôm" Cà Mau

Tóm tắt:
  • Cà Mau có nhu cầu điện cao, đặc biệt khu vực bán đảo và Châu Thành.
  • Tổng công ty Điện lực miền Nam nâng cấp đường dây 110 kV Rạch Giá 2 - Minh Phong.
  • Dự án giúp giảm tải, đảm bảo cung cấp điện liên tục, an toàn mùa mưa bão.
  • Công trình thi công trong điều kiện khó khăn, phải vượt qua mưa lũ, nguy hiểm.
  • Hoàn thành dự án, điện ổn định, giảm tổn thất, phát triển kinh tế xã hội khu vực.

Đường dây truyền tải điện quan trọng

Tuyến đường dây 110 kV 173 Rạch Giá 2 - 172 Minh Phong là đường dây quan trọng của tỉnh Cà Mau. Công trình nâng cấp đường dây này bắt đầu từ trạm 220 kV Rạch Giá 2 và điểm cuối tại trạm 110 kV Minh Phong. Với tổng chiều dài trên 13km đi qua địa bàn các xã Mong Thọ B, xã Giục Tượng, xã Vĩnh Hòa Phú, xã Vĩnh Hòa Hiệp, xã Bình An thuộc huyện Châu Thành.

Ông Đổng Lưu Nghiêm - Phó giám đốc kỹ thuật Công ty Điện lực Kiên Giang - cho biết, đây là đường dây độc đạo, cung cấp điện cho gần 170.000 khách hàng của Điện lực Kiên Giang ở 5 huyện Châu Thành, An Biên, An Minh, U Minh Thượng, Vĩnh Thuận và xã đảo Lại Sơn (Kiên Hải). Trong những năm vừa qua, sản lượng điện thương phẩm tiêu thụ của những địa phương trên liên tục tăng, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh.

Công nhân ngành điện thi công hạng mục dựng cột tháp sắt, đoạn qua xã Giục Tượng (Châu Thành)

ẢNH: TGCC

Tuy nhiên, tuyến đường dây 110 kV 173 Rạch Giá 2 - 172 Minh Phong cung cấp điện cho những địa phương này hiện đã quá tải. Để đảm bảo đường dây vận hành an toàn, ổn định cung cấp điện cho 5 huyện và xã đảo Lại Sơn trong mùa mưa bão năm 2024 và mùa khô của các năm tiếp theo, rút kinh nghiệm ảnh hưởng rất lớn từ cơn bão số 3 đổ bộ vào miền Bắc và sự cố cháy trạm biến áp 220 kV Cai Lậy gần đây, Tổng công ty Điện lực miền Nam chỉ đạo Công ty Điện lực Kiên Giang tập trung thi công công trình phân pha đường dây 110 kV 173 Rạch Giá 2 - 172 Minh Phong trong tháng 9.2024, kịp thời ứng phó với các cơn bão mạnh xảy ra trong mùa mưa có thể đổ bộ vào miền Nam.

Việc thi công không chỉ giúp khắc phục đường dây đã quá tải, mà phải sửa chữa, bảo dưỡng, thay thế thiết bị đã vận hành lâu năm không còn đảm bảo an toàn cho cung cấp điện vào mùa mưa bão.

"Vượt nắng, thắng mưa" đưa công trình về đích

Có mặt tại công trường thi công nâng cấp đường dây 110 kV 173 Rạch Giá 2 - 172 Minh Phong trong những ngày mưa mới thấy được tinh thần làm việc hăng say, "vượt nắng, thắng mưa" của đội ngũ cán bộ, công nhân ngành điện. Việc vận chuyển vật liệu đi qua những con đường đất sình lầy để dựng cột tháp sắt và cột bê tông ly tâm không hề dễ dàng, nhưng họ kiên trì, quả cảm vượt qua.

Hạng mục thi công dựng cột tháp là một trong những khâu quan trọng. Để lắp, dựng các trụ điện, công nhân phải dùng thiết bị tời (cần pick - dụng cụ chuyên dùng trong lắp dựng cột điện) để đưa thiết bị lên cao. Trong quá trình đó, phải có sự phối hợp nhịp hàng, chuẩn xác giữa người điều khiển thiết bị tời và lực lượng lắp, dựng ở trên cao, nhằm đảm bảo các thiết bị được đưa lên phù hợp với độ cao ở từng công đoạn, giúp bộ phận lắp dựng tiến hành lắp ghép các thanh cái, thiết bị một cách thuận lợi và chuẩn xác.

Công nhân ngành điện thi công nâng cấp dây truyền tải điện tại trạm 110 kV Minh Phong, xã Bình An (Châu Thành)

ẢNH: TGCC

Muốn vậy, phải thực hiện lắp ráp mỗi đoạn trụ dưới đất rồi dùng cần pick kéo dựng từng mặt, sử dụng các dây buộc điều chỉnh và cố định đúng vị trí. Dựng xong 2 mặt đối xứng, công nhân sẽ lắp các thanh chéo 2 mặt đối xứng còn lại. Hoàn thành lắp đặt mỗi đoạn, công nhân sẽ điều chỉnh nâng thiết bị tời lên, tính toán thế nào để chiều cao đỉnh thiết bị tời có thể kéo dựng các mặt thân trụ (đã lắp ráp sẵn dưới đất).

Ông Vũ Thắng - Đội trưởng Đội quản lý vận hành (Điện lực Châu Thành) cho biết, để thi công đảm bảo đúng tiến độ, Công ty Điện lực Kiên Giang cùng với Điện lực Châu Thành chủ động phối hợp chính quyền địa phương thống nhất các biện pháp, thời gian thi công. Đồng thời vận động, tuyên truyền người dân trên địa bàn nhằm tạo sự đồng thuận từ người dân và cũng mong muốn người dân cùng chia sẻ những khó khăn do việc cắt điện làm ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh.

Công nhân ngành điện thi công trụ qua xã Giục Tượng (Châu Thành)

ẢNH: TGCC

Do công trình thi công tiến hành trong mùa mưa bão nên công tác giám sát hiện trường được đặt lên hàng đầu, nhằm đảm bảo an toàn cho đội ngũ công nhân khi thực hiện. Ông Hoàng Tiến Phước - Giám đốc Xí nghiệp lưới điện cao thế (Điện lực Kiên Giang) cho biết: "Trong quá trình thi công, xí nghiệp luôn cử nhân viên kiểm tra, giám sát, động viên anh em công nhân làm việc an toàn, nhất là các công nhân làm việc trên cao". Ngoài ra, để đảm bảo thi công nâng cấp đường dây đúng tiến độ, Công ty Điện lực Kiên Giang đã có thông báo gián đoạn cấp điện diện rộng vào các ngày 7, 8, 14, 15, 21, 22 (đã thực hiện) và ngày 29.9 đối với huyện Châu Thành, An Biên, An Minh, U Minh Thượng và Vĩnh Thuận.

Sau khi công trình hoàn thành sẽ khắc phục tình trạng quá tải đường dây 110 kV, đảm bảo cung cấp điện ổn định cho khu vực bán đảo Cà Mau. Quan trọng hơn, dự án này giúp giảm thiểu tổn thất, nâng cao chất lượng lưới điện phục vụ các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kết hợp kinh tế - quốc phòng ở vùng biển cực nam của Tổ quốc.

Cuộc thi viết "50 năm thắp sáng niềm tin" có tổng giải thưởng lên đến 100 triệu đồng.

- Nhận bài thi đến hết ngày 30.4.2025.

- Email: [email protected]. Mời quý bạn đọc xem thể lệ cuộc thi trên thanhnien.vn/evnspc.vn.

  • Dự án truyền tải điện quan trọng ở 'thủ phủ tôm' Cà Mau - Ảnh 4.

    Thể lệ cuộc thi viết Kỷ niệm 50 năm thành lập ngành Điện lực miền Nam (1975-2025) 50 năm thắp sáng niềm tinĐỌC NGAY

Các tin khác

Lợi nhuận nhiều ngân hàng tăng cao

Kết quả kinh doanh quý I năm nay của nhiều ngân hàng đạt mức tăng trưởng tích cực trong bối cảnh lãi suất duy trì ở mức thấp, cầu tín dụng tăng. Theo đó, lợi nhuận của nhiều ngân hàng đều tăng cao so với năm trước.

Giá điện tái tạo bất cập làm sao thu hút được đầu tư?

Quy hoạch Điện VIII điều chỉnh vừa được phê duyệt có mục tiêu rất lớn khi chỉ trong 5 năm tới, tổng công suất nguồn điện của Việt Nam sẽ gấp 2 - 2,8 lần so với hiện tại. Theo tính toán, mỗi năm ngành điện cần số vốn lên tới 27,6 tỷ USD. Các chuyên gia cho rằng, đây là bài toán nan giải trong thu hút nhà đầu tư, đặc biệt là vấn đề liên quan đến giá điện.