Xã hội

Đề xuất "siết" điều kiện chào bán trái phiếu doanh nghiệp

Tóm tắt:
  • Chính phủ đề xuất siết điều kiện chào bán trái phiếu riêng lẻ của doanh nghiệp.
  • Điều kiện mới yêu cầu nợ không vượt quá 5 lần vốn chủ sở hữu.
  • Các tổ chức ngoại lệ gồm doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp dự án bất động sản.
  • Đề xuất mở rộng tiếp cận trái phiếu cho cá nhân trong giới hạn nhà đầu tư.
  • Nhiều ý kiến đề nghị làm rõ căn cứ và tác động của quy định này.

Dự thảo luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Doanh nghiệp được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến chiều 24.4, đề xuất bổ sung quy định về điều kiện chào bán trái phiếu riêng lẻ của doanh nghiệp là các công ty cổ phần không phải công ty đại chúng.

Đề xuất siết điều kiện chào bán trái phiếu doanh nghiệp - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng trình dự thảo luật tại phiên họp

ẢNH: GIA HÂN

Điều kiện chào bán trái phiếu là có nợ phải trả không vượt quá 5 lần vốn

Dự thảo luật được Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng trình tại phiên họp, quy định các doanh nghiệp phải đảm bảo có nợ phải trả (bao gồm giá trị trái phiếu dự kiến phát hành) không vượt quá 5 lần vốn chủ sở hữu của tổ chức phát hành, theo báo cáo tài chính năm liền kề trước năm phát hành được kiểm toán.

Quy định này loại trừ tổ chức phát hành là doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp phát hành trái phiếu để thực hiện dự án bất động sản, tổ chức tín dụng, doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiếm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, công ty chứng khoán, công ty quản lý qũy đầu tư chứng khoán.

Thẩm tra vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế - Tài chính Phan Văn Mãi cho biết, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ báo cáo rõ cơ sở đề xuất và tác động của quy định điều kiện khống chế "có nợ phải trả (bao gồm giá trị trái phiếu dự kiến phát hành) không vượt quá 5 lần vốn chủ sở hữu của tổ chức phát hành" để báo cáo Quốc hội.

Bên cạnh đó, với các điều kiện về chào bán trái phiếu riêng lẻ đã được thắt chặt hơn, Chủ nhiệm Phan Văn Mãi đề nghị nghiên cứu mở rộng đối tượng được tiếp cận với trái phiếu riêng lẻ của công ty cổ phần không phải là công ty đại chúng bao gồm cả "cá nhân" (vẫn khống chế số lượng nhà đầu tư) để mở rộng nguồn cung vốn cho doanh nghiệp.

Nêu ý kiến tại phiên họp, Phó chủ nhiệm thường trực Ủy ban Dân nguyện - Giám sát của Quốc hội Lê Thị Nga tán thành cơ quan thẩm tra, đề nghị cần đưa ra cơ sở của quy định điều kiện khống chế chào bán trái phiếu riêng lẻ nêu trên. Bà Nga phân tích, sự ổn định của doanh nghiệp phụ thuộc vào nhiều yếu tố như khả năng cạnh tranh trên thị trường, rủi ro thị trường, chứ không chỉ dựa trên số nợ phải trả.

"Bản chất của trái phiếu doanh nghiệp là một hình thức đầu tư. Trước khi quyết định đầu tư, người mua trái phiếu cần đánh giá và chịu trách nhiệm rủi ro khi mua trái phiếu riêng lẻ. Mặt khác, quy định cứng hệ số nợ gây thiệt thòi đối với các doanh nghiệp lớn, đầu tư đa ngành, do những doanh nghiệp này thường có vốn điều lệ lớn, số nợ cao hơn doanh nghiệp nhỏ", bà Lê Thị Nga phân tích.

Đề xuất siết điều kiện chào bán trái phiếu doanh nghiệp - Ảnh 2.

Phó chủ nhiệm thường trực Ủy ban Dân nguyện - Giám sát Quốc hội Lê Thị Nga đề nghị cần đưa ra cơ sở của quy định điều kiện khống chế chào bán trái phiếu riêng lẻ

ẢNH: GIA HÂN

Cần quy định để hạn chế rủi ro thanh toán của trái phiếu riêng lẻ

Liên quan vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng tán thành việc sửa đổi để quản lý chặt chẽ, kiểm soát rủi ro cũng như chất lượng trái phiếu riêng lẻ doanh nghiệp phát hành, đồng thời lưu ý các quy định về chào bán trái phiếu riêng lẻ của doanh nghiệp cần đảm bảo thống nhất với quy định về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp vừa được quy định tại luật Chứng khoán sửa đổi.

Giải trình, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, việc sửa đổi các quy định về chào bán trái phiếu riêng lẻ nhằm tương thích với luật Chứng khoán sửa đổi như Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Theo ông Thắng, trái phiếu riêng lẻ là sản phẩm tài chính tiềm ẩn rủi ro cao hơn, nên chỉ phù hợp nhà đầu tư có năng lực tài chính, kiến thức, kinh nghiệm, có khả năng phân tích rủi ro trong đầu tư. Do đó, cần giới hạn phạm vi nhà đầu tư tham gia thị trường, gồm sơ cấp, thứ cấp.

Về cơ sở đề xuất "siết" điều kiện chào bán trái phiếu riêng lẻ với doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ Tài chính giải thích cần bổ sung giới hạn nợ phải trả để hạn chế rủi ro thanh toán của trái phiếu riêng lẻ. Mức 5 lần mà Bộ Tài chính đề xuất, ông Thắng cho hay, là kết quả làm việc nhiều lần của bộ này với các bộ, ngành, doanh nghiệp liên quan.

"Đây là vấn đề doanh nghiệp rất quan tâm, cũng mất nhiều thời gian để thống nhất đưa ra mức 5 lần là mức thận trọng và không mất thời gian của doanh nghiệp. Mức này cũng loại trừ với một số đối tượng doanh nghiệp. Mức này cũng tương tự doanh nghiệp chào bán cổ phần ra công chúng", Bộ trưởng Bộ Tài chính giải thích và khẳng định sẽ tiếp thu tối đa các ý kiến để hoàn thiện dự thảo luật.

Các tin khác