Doanh nghiệp

CEO Hoà Phát: Lợi nhuận quý II ít nhất bằng quý I

Tóm tắt:
  • Ông Nguyễn Việt Thắng dự báo lợi nhuận quý II của Hòa Phát sẽ ít nhất bằng quý I.
  • Nhu cầu thép tiếp tục tăng nhờ đầu tư công và chính sách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
  • Thuế từ Mỹ ảnh hưởng ít đến xuất khẩu thép do tỷ trọng bán vào thị trường này không lớn.
  • Thị trường nội địa vẫn là trụ đỡ mạnh, dù giá thép còn thấp so với năm ngoái.
  • Giá thép dự kiến giữ ổn định do yếu tố hỗ trợ và rủi ro từ thuế quan Mỹ.

Động lực từ đầu đầu tư công

 

Trao đổi với chúng tôi bên lề ĐHĐCĐ diễn ra vào tuần trước, ông Nguyễn Việt Thắng - Tổng Giám đốc Tập đoàn Hoà Phát (Mã: HPG) cho biết năm nay động lực chủ yếu tiêu thụ thép trong nước tiếp tục đầu tư công. 

“Trước ngày 2/4 mọi người đang rất lạc quan vì chính sách thúc đẩy nền kinh tế của Chính phủ với mục tiêu tăng trưởng 8% năm nay và 10% vào năm sau. Nếu tăng trưởng thực tế đúng như mục tiêu thì tình hình kinh doanh của Hoà Phát rất tốt", ông Thắng cho biết.

Ông giải thích, với những nền kinh tế như Việt Nam, khi tăng trưởng 8 - 10% thì vẫn phải đầu tư nhiều vào hạ tầng và đây là ưu tiên hàng đầu. Do đó, nhu cầu thép sẽ rất lớn.  Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại sẽ phụ thuộc vào điều hành của chính phủ về các kịch bản thuế thế nào và dòng vốn FDI vào Việt Nam ra sao?

Mặc dù vậy, ông Thắng cho rằng kết quả lợi nhuận của quý II ít nhất bằng quý I năm nay.

Trong quý I, Hoà Phát ghi nhận  doanh thu 37.900 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 3.300 tỷ đồng; tăng lần lượt 22% và 15% so với cùng kỳ năm ngoái. 

 Nguồn: Wichart, Hoà Phát (H.Mĩ tổng hợp)

Năm nay, tập đoàn lên kế hoạch doanh thu 170.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 15.000 tỷ đồng, lần lượt tăng 21% và 25% so với thực hiện năm 2024. Như vậy, tập đoàn đã thực hiện được 22% chỉ tiêu lợi nhuận năm sau một quý.

Hoà Phát hiện đang vận hành giai đoạn 1 của dự án Dung Quất 2 và dự kiến sẽ chạy toàn bộ dự án vào quý IV năm nay. Như vậy, với sự góp mặt của Dung Quất 2, ước tính sản lượng HRC tối đa của Hoà Phát có thể đạt khoảng 8,6 triệu tấn kể từ năm 2025. Bên cạnh đó, tập đoàn cũng đang tập trung cho mảng thép chất lượng cao, thép đặc biệt. 

Những biến số từ thuế quan của Mỹ

Biến số lớn đối với ngành thép nói chung và Hoà Phát nói riêng là chính sách thuế từ Mỹ. Tháng 2, Mỹ tuyên bố áp thuế 25% đối với toàn bộ thép nhập khẩu từ các quốc gia, kể cả những nước đồng minh. 

Bên cạnh đó, ngày 2/4, ông Trump tuyên bố thuế đối ứng với nhiều nước trên thế giới, trong đó Việt Nam chịu mức thuế thuộc top đầu với 46%. 

Ông Thắng đánh giá tác động trực tiếp của lệnh thuế từ Mỹ với mảng thép của Hoà Phát không quá lớn vì tỷ trọng xuất khẩu sang thị trường này không cao, thậm chí thời điểm hiện tại thép Việt Nam được hưởng lợi vì ngày xưa một số nước được hưởng mức thuế riêng thì bây giờ các nước đều như nhau. Bên cạnh đó, giá thép HRC tại Mỹ tăng vọt ngay sau khi ông Trump tuyên bố thuế thép. 

“Chúng tôi vẫn đang tranh thủ xuất khẩu HRC sang Mỹ bởi sau khi ông Trump áp thuế, giá loại thép này tăng mạnh lên trên 900 USD/tấn. Với mức gái này chúng tôi bắt đầu có lãi. Trước thời điểm áp thuế, giá chỉ khoảng 750 - 760 USD/tấn thì khó có lợi nhuận”, ông Thắng cho biết.

Mặc dù vậy,  theo ông điểm yếu của việc xuất khẩu sang Mỹ bên cạnh câu chuyện thuế quan còn liên quan đến chi phí vận chuyển lớn. Do đó, chiến lược chung của tập đoàn thời điểm hiện tại là ưu tiên thị trường nội địa.

Tuy nhiên, bản thân thị trường nội địa hiện vẫn có nhiều biến số liên quan tức sắc lệnh thuế đối ứng của Mỹ.  Ông Thắng cho biết tình hình tiêu thụ thép nội địa thời gian tới còn phụ thuộc vào mức độ ảnh hưởng của thuế quan đối với tình hình tăng trưởng kinh tế Việt Nam. 

“Nếu tăng trưởng kinh tế Việt Nam chậm lại nhu cầu thép trong nước giảm đi và bán hàng của Hoà Phát khó khăn hơn. Về nguyên tắc bất kỳ trường hợp nào, chúng tôi cũng phải bán hết hàng. Lúc này Hoà Phát phải tăng thị phần lên nhưng đổi lại biên lợi nhuận giảm xuống”. 

Quý đầu năm nay, tập đoàn đã tăng được thị phần trong nước. Dự án đầu tư công từ đầu năm đang được triển khai mạnh, khác biệt so với cùng kỳ mọi năm.

Tập đoàn đang dẫn đầu thị phần mảng thép xây dựng và ống thép với tỷ trọng lần lượt 38,8% và 32,8%. So sánh với năm ngoái, thị phần của mảng thép xây dựng 1 điểm phần trăm, trong khi mảng ống thép tăng khoảng 3 điểm.

 Nguồn: VSA (H.Mĩ tổng hợp)

Hoà Phát hiện là doanh nghiệp sản xuất thép có biên lợi nhuận cao nhất thị trường ở thời điểm hiện tại nhờ tự chủ được khâu sản xuất từ thép thượng nguồn đến các sản phẩm thép hạ nguồn thành phẩm. Đối với nguyên liệu đầu vào, bên cạnh việc nhập khẩu, doanh nghiệp sở hữu một số quặng sắt ở nước ngoài. Bên cạnh đó, Hoà Phát cũng tự chủ việc vận chuyển hàng bằng đường biển thông qua đội tàu của tập đoàn. 

 Nguồn: Báo cáo tài chính của các doanh nghiệp (H.Mĩ tổng hợp)

Đối với kế hoạch xuất khẩu sang các thị trường, ông Thắng cho biết sẽ giữ tỷ trọng dưới 20% trong năm nay và tìm kiếm các thị trường mới. Một số thị trường tiềm năng được tính tới như châu Âu, Trung Đông.

Tại Anh, với với "gã khổng lồ" British Steel đang gặp khủng hoảng, ông xem là cơ hội để đẩy mạnh bán hàng sang thị trường này. Còn tại EU, với kết quả thuế chống bán phá giá tạm thời áp với Hoà Phát bằng 0% được xem là lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ. Tuy nhiên, hạn ngạch mà EU dành cho Việt Nam mỗi quý chỉ được xuất 120.000 tấn thép. 

Còn tại Trung Đông, ưu điểm của thị trường này là hàng ràng bảo hộ vẫn chưa được dựng lên một cách mạnh mẽ như các nước khác. Tuy nhiên, cũng vì điều này mà dòng thép Trung Quốc có thể đổ sang và bản thân giá thép tại thị trường này cũng khá rẻ. 

Giá thép khó lòng giảm sâu thêm

Mới đây, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết trong bối cánh xuất khẩu gặp nhiều thách thức, thị trường thép Việt Nam trong quý Il được kỳ vọng sẽ nhận được sự hỗ trợ từ các yếu tố nội tại.

Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt vào các dự án xây dựng công trình hạ tầng giao thông công cộng. Điều này sẽ tạo ra nhu cầu lớn về thép xây dựng và các sản phẩm thép khác. Với sự phục hồi dần của nền kinh tế, nhu cầu thép từ các ngành xây dựng dân dụng và sản xuất dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng ổn định.

Số liệu của VSA cho thấy trong quý I, các doanh nghiệp đã tiêu thụ được 7,5 triệu tăng 12% so với cùng kỳ. Sản lượng trong quý I đạt hơn 7,46 triệu tấn tăng 6%. Như vậy, trong quý I, các nhà máy không những tiêu thụ hết số lượng thép đã sản xuất mà còn dùng cả lượng hàng tồn kho từ trước đó. 

Thị trường nội địa vẫn đang thể hiện tốt vai trò làm trụ đỡ cho các doanh nghiệp thép. Điều này thể hiện qua việc mặc dù xuất khẩu giảm mạnh tới 37% trong quý I nhưng kết quả bán hàng chung vẫn tăng trưởng mạnh.

Giá thép xây dựng ở thị trường nội địa thời gian gần đây đang có xu hướng phục hồi nhẹ. Tính đến ngày 24/4, giá thép CB300 ở mức 13,6 triệu đồng/tấn, tăng so với mức 13,5 triệu đồng/tấn hồi tháng 2.

Mặc dù vậy, so sánh với mức giá 14,4 triệu đồng/tấn của cùng kỳ năm ngoái, thì giá ở thời điểm hiện tại vẫn ở mức thấp. 

 Diễn biến giá thép xây dựng từ năm 2023 đến nay (Nguồn: Wichart, H.Mĩ tổng hợp)

Nói về triển vọng giá thép năm nay, ông Thắng cho rằng các yếu tố tiêu cực và tích cực đang đan xen lẫn nhau. 

Theo đó, Trung Quốc đang dư cung nên giá thế giới khó để lên. Còn trong nước, chính phủ đang đẩy mạnh đầu tư công nên nhu cầu tăng lên. Kèm theo đó, thời gian qua Việt Nam cũng dựng lên hàng rào bảo hộ. Những yếu tố này hỗ trợ lên giá. Nhưng ngược lại, nếu thuế quan của My ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam thì giá thép có thể giảm xuống.

"Như vậy, yếu tố tăng giảm đan xem lẫn nhau. Do đó, cơ bản giá sẽ nằm ở vùng hiện tại, không thể xuống được nữa mà cũng khó lòng tăng thêm", ông Thắng nhận định. 

Các tin khác

TP.HCM chưa phát hiện sữa giả

Trên địa bàn TP.HCM, các Đội Quản lý thị trường chưa phát hiện vụ việc nào có dấu hiệu sản xuất hoặc buôn bán sữa giả như phản ánh tại một số địa phương khác.