Theo đó, người có nguy cơ cao biến chứng nặng khi mắc sởi (người có bệnh phổi mạn tính, tiểu đường, cao huyết áp, người trên 50 tuổi), nhất là những người không rõ tiền sử tiêm chủng và chưa từng mắc sởi, nên chủ động tiêm vắc xin sởi.

Khi xuất hiện triệu chứng bệnh sởi, cần đến ngay cơ sở y tế để được điều trị kịp thời
ẢNH: TƯ LIỆU BỆNH VIỆN NHI T.Ư
Người có nguy cơ cao khi xuất hiện những triệu chứng của bệnh sởi như sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban…, cần phải đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám, tư vấn, điều trị kịp thời, hạn chế biến chứng nặng của bệnh.
Ngoài ra, cần hạn chế tiếp xúc với những trường hợp mắc hoặc nghi mắc sởi. Nếu bắt buộc phải tiếp xúc, cần mang khẩu trang và vệ sinh tay sau khi tiếp xúc với người bệnh.
Đồng thời, cần tăng cường vệ sinh thân thể, mũi họng, giữ ấm, nâng cao thể trạng để tăng cường sức đề kháng phòng bệnh sởi; thực hiện tốt vệ sinh môi trường, giữ thông thoáng môi trường nơi làm việc, học tập, sinh hoạt; vệ sinh thường xuyên các bề mặt nơi ở, sinh hoạt.
Bệnh sởi lây lan nhanh nhất trong số các bệnh truyền nhiễm, tất cả mọi người đều có nguy cơ mắc bệnh sởi. Bệnh có thể gây biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, viêm não, viêm tai giữa, viêm loét giác mạc, tiêu chảy, thậm chí tử vong.