Hiện tượng kỳ lạ sau ca phẫu thuật đầu gối
Câu chuyện hy hữu bắt đầu khi thiếu niên này bị chấn thương đầu gối do chơi bóng đá và được chỉ định phẫu thuật. Ca mổ diễn ra thành công, không gặp bất kỳ biến chứng nào. Tuy nhiên, ngay khi tỉnh dậy sau gây mê, cậu bé đã khiến gia đình và đội ngũ y tế sững sờ.
Cậu không nhận ra cha mẹ đang đứng bên giường bệnh, khăng khăng cho rằng mình đang ở Mỹ và chỉ trả lời các câu hỏi bằng tiếng Anh.

Nam thanh niên quên tiếng mẹ đẻ sau ca phẫu thuật đầu gối (Ảnh: Getty).
Những người có mặt tại đó, trong đó có cả bác sĩ, điều dưỡng và người nhà, đều bối rối khi thiếu niên này dường như hoàn toàn không hiểu tiếng Hà Lan - ngôn ngữ mẹ đẻ mà cậu vẫn sử dụng bình thường cho đến sáng hôm đó.
Ban đầu, các bác sĩ cho rằng đây là một trường hợp mê sảng sau phẫu thuật. Tuy nhiên, hiện tượng này không biến mất sau vài giờ mà tiếp tục kéo dài, dù cậu bé đã tỉnh táo hoàn toàn và không có biểu hiện lẫn lộn về tri giác.
Bác sĩ nghi ngờ hội chứng ngoại ngữ
Trước diễn biến bất thường, đội ngũ y tế đã mời thêm các chuyên gia thần kinh và tâm thần học tham gia đánh giá.
Khi được giao tiếp bằng tiếng Hà Lan, cậu bé chỉ đáp lại bằng ánh mắt bối rối và không thể phản hồi. Tuy nhiên, khi đối thoại bằng tiếng Anh, cậu có thể trả lời trôi chảy, dù phát âm vẫn mang âm sắc của người Hà Lan.
Tình trạng này kéo dài suốt 18 giờ. Cậu bắt đầu hiểu trở lại một vài câu tiếng Hà Lan nhưng vẫn gặp khó khăn trong việc nói.
Tới khoảng 24 giờ sau ca mổ, khi bạn bè đến thăm, cậu bất ngờ bật ra những câu tiếng mẹ đẻ một cách tự nhiên. Đến ngày hôm sau, cậu hồi phục hoàn toàn khả năng sử dụng tiếng Hà Lan và được xuất viện trong trạng thái sức khỏe ổn định, cả về thể chất lẫn tinh thần.
Điều đặc biệt là thiếu niên này vẫn nhớ rõ mọi việc diễn ra trong khoảng thời gian không thể nói tiếng Hà Lan.
Cậu kể lại rằng mình biết bản thân chỉ có thể nói tiếng Anh, cảm thấy kỳ lạ vì không thể giao tiếp như bình thường và thậm chí nhận thức rõ việc không nhận ra cha mẹ.
Đây là điều rất hiếm gặp, bởi trong các rối loạn ngôn ngữ hoặc mất trí nhớ tạm thời, bệnh nhân thường không có khả năng quan sát rõ ràng tình trạng của mình trong thời điểm sự việc xảy ra.
Trước hiện tượng kỳ lạ này, các bác sĩ nghi ngờ cậu mắc hội chứng ngoại ngữ (Foreign Language Syndrome - FLS), một hiện tượng hiếm gặp trong đó người bệnh mất khả năng sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ và chỉ nói được một ngoại ngữ từng tiếp xúc trước đó.
Tuy nhiên, điều khiến giới chuyên môn "đau đầu" chính là: Mọi xét nghiệm thần kinh, bao gồm chụp cộng hưởng từ (MRI), đều không cho thấy dấu hiệu tổn thương não, không có đột quỵ, chấn thương vùng đầu hay bất kỳ bất thường nào trong cấu trúc não bộ.
Não bộ con người: Một "vũ trụ" chưa có lời giải
Dù bệnh nhân đã hoàn toàn hồi phục và không để lại di chứng, trường hợp này vẫn là một bí ẩn lớn của y học hiện đại.
Trên thế giới từng ghi nhận một vài ca tương tự, như một phụ nữ Anh sau đột quỵ bỗng nói tiếng Trung Quốc dù chưa từng học, hay một người đàn ông Mỹ sau tai nạn tỉnh dậy và chỉ nói được tiếng Pháp. Nhưng điểm chung của các ca này là đều có tổn thương rõ rệt trong não bộ, điều không xuất hiện ở thiếu niên Hà Lan.
Một số giả thuyết được đưa ra: Có thể cậu bé đã rơi vào trạng thái "kích hoạt ngôn ngữ tiềm thức" do tác động của thuốc mê; hoặc sự căng thẳng thần kinh trong quá trình phẫu thuật đã tạm thời làm gián đoạn vùng ngôn ngữ trong não, khiến hệ thống xử lý tiếng mẹ đẻ bị vô hiệu hóa. Trong khi đó, các thông tin ngôn ngữ học được lưu trữ gián tiếp bằng tiếng Anh lại trỗi dậy.
Tuy nhiên, không có giả thuyết nào giải thích được đầy đủ hiện tượng này. Đặc biệt là khi không có bằng chứng về tổn thương hay rối loạn nhận thức, các chuyên gia đã quyết định không tiếp tục thực hiện các xét nghiệm sâu hơn như điện não đồ (EEG) hay trắc nghiệm thần kinh.