Xã hội

Bến Vàm Lũng - đường Hồ Chí Minh trên biển là di tích Quốc gia đặc biệt

Tóm tắt:
  • Tỉnh Cà Mau tổ chức lễ đón nhận di tích Quốc gia đặc biệt cho bến Vàm Lũng.
  • Bến Vàm Lũng là điểm cuối của tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển.
  • Nơi đây gắn liền với hành trình vận chuyển vũ khí trong chiến tranh.
  • Di tích này có ý nghĩa giáo dục truyền thống yêu nước và cách mạng.
  • Bến Vàm Lũng được xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt vào ngày 26.11.2024.

Tối 24.4, tại H.Ngọc Hiển, UBND tỉnh Cà Mau tổ chức lễ đón nhận Bằng xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt cho bến Vàm Lũng - điểm cuối cùng trong hệ thống đường Hồ Chí Minh trên biển. Đây là di tích Quốc gia đặc biệt đầu tiên của tỉnh, có ý nghĩa quan trọng trong giáo dục truyền thống cách mạng, hun đúc tinh thần yêu nước cho thế hệ trẻ.

Bến Vàm Lũng – Biểu tượng bất khuất trên đường Hồ Chí Minh trên biển huyền thoại- Ảnh 1.

Lãnh đạo tỉnh Cà Mau đón nhận Bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt đường Hồ Chí Minh trên biển (bến Vàm Lũng) của Thủ tướng Chính phủ

ẢNH: G.B.

Hồi ức từ bến tàu không số và ký ức không quên

Ngày 16.10.1962, chuyến tàu Phương Đông 1 do thuyền trưởng Lê Văn Một và chính trị viên Bông Văn Dĩa chỉ huy đã cập bến Vàm Lũng an toàn, mở đầu cho hành trình lịch sử của "Đoàn tàu không số" vượt biển Đông, đưa vũ khí từ Bắc vào Nam. Từ thời điểm đó đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng (30.4.1975), bến Vàm Lũng đã tiếp nhận 68 chuyến tàu với hơn 4.400 tấn vũ khí, quân trang, quân dụng.

Bến Vàm Lũng – Biểu tượng bất khuất trên đường Hồ Chí Minh trên biển huyền thoại- Ảnh 2.

Đại tá Khưu Ngọc Bảy, Nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 962 phát biểu tại buổi lễ

ẢNH: G.B

Mỗi chuyến tàu là một hành trình sinh tử. Những chiến sĩ trên tàu ngụy trang thành ngư dân, sử dụng tàu hai đáy, ba đáy để vận chuyển hàng. Có khi, để bảo toàn bí mật, họ chấp nhận cho nổ tung con tàu, hy sinh tính mạng. Những câu chuyện ấy đã trở thành huyền thoại.

Tại lễ đón nhận, bà Phan Thị Lợi (tức cô Út Lợi, ở xã Tân Ân, H.Ngọc Hiển), một nhân chứng lịch sử, xúc động đọc lại bức thư của các chiến sĩ năm xưa. Trong những dòng chữ đầy cảm xúc ấy là hình ảnh về một cô gái hiền lành, giản dị, người từng được lính Đoàn 962 trìu mến gọi là "hoa hậu rừng đước".

Bến Vàm Lũng – Biểu tượng bất khuất trên đường Hồ Chí Minh trên biển huyền thoại- Ảnh 3.

Ông Nguyễn Minh Luân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, phát biểu tại buổi lễ

ẢNH: G.B

"Ngày đó tôi mới 13 tuổi, hay ngủ nướng, bị má gọi dậy nấu cơm cho bộ đội cũng hờn dỗi. Nhưng lâu dần, tôi hiểu rằng mình cực một chút cũng không bằng các anh đang ngày đêm đối mặt hiểm nguy ngoài biển khơi", cô Út kể.

Nhà cô là cơ sở nuôi chứa cán bộ, nơi những người con của má Nguyễn Thị Hoài - Má Bảy - thay phiên nhau giăng câu, xay lúa, giã gạo để nuôi bộ đội. Cô Út may hàng trăm chiếc nón tai bèo, sửa vá áo quần cho lính, giữ lại từng mảnh kỷ vật như thư tay, vải dù… như giữ lại tuổi xuân giữa lửa đạn.

Bến cảng lòng dân

Đại tá Khưu Ngọc Bảy, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 962 khẳng định, yếu tố dân là "chìa khóa" cho mọi thắng lợi. "Muốn mở bến phải di dân, phải giữ bí mật nhưng cũng cần sự che chở của người dân. Chính sự đoàn kết, cảm thông ấy đã tạo nên một bến cảng đặc biệt - bến cảng lòng dân", ông Bảy chia sẻ.

Bến Vàm Lũng – Biểu tượng bất khuất trên đường Hồ Chí Minh trên biển huyền thoại- Ảnh 4.

Tượng đài di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt bến Vàm Lũng

ẢNH: G.B.

Không chỉ đóng góp sức người, sức của, nhân dân địa phương còn hiến đất, tự giác di dời để phục vụ cho công cuộc kháng chiến. Sự hy sinh âm thầm của họ đã góp phần làm nên chiến công của các chiến sĩ tàu không số, những người anh hùng như Bông Văn Dĩa, Nguyễn Văn Cứng (Bảy Cứng), những thuyền trưởng dạn dày với hàng chục chuyến vượt biển.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Minh Luân cho biết, việc bến Vàm Lũng được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt không chỉ là niềm tự hào của người dân địa phương mà còn là động lực để tỉnh tiếp tục nỗ lực xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ.

Bến Vàm Lũng – Biểu tượng bất khuất trên đường Hồ Chí Minh trên biển huyền thoại- Ảnh 5.

Các em học sinh tham quan nhà truyền thống tại Di tích bến Vàm Lũng

ẢNH: G.B

"Chúng tôi rất xúc động khi nhìn lại quá khứ hào hùng. Nếu không có những người dân sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân vì đại nghĩa, nếu không có sự quả cảm của các chiến sĩ, sẽ không có chiến thắng hôm nay", ông Luân nói.

Di tích đường Hồ Chí Minh trên biển được xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt vào ngày 26.11.2024. Các điểm di tích gồm: Bến K15 (TP. Hải Phòng), bến Vũng Rô (Phú Yên), bến Lộc An (Bà Rịa - Vũng Tàu) và bến Vàm Lũng (Cà Mau). Trong đó, bến Vàm Lũng là điểm tiếp nhận vũ khí cuối cùng trên tuyến đường huyền thoại này.

Các tin khác