PV Thanh Niên đã có cuộc trao đổi với ông Trần Minh Hải về thực trạng trẻ vị thành niên sinh con và các giải pháp phòng chống vấn nạn đáng báo động này.

Thạc sĩ Trần Minh Hải có hơn 30 năm làm công tác bảo vệ trẻ em
ẢNH: NVCC
Giáo dục giới tính chưa thẳng, chưa thật
* Trong giai đoạn 2019 - 2021, ở TP.HCM, tỷ lệ mang thai ở thanh thiếu niên tăng gần 18% so với những năm trước. Riêng trong năm 2020, TP.HCM ghi nhận hơn 20.000 ca phá thai ở phụ nữ dưới 19 tuổi. Theo ông, lý do chính dẫn đến thực trạng trẻ vị thành niên mang thai là gì?
Thạc sĩ Trần Minh Hải: Tôi cho rằng có nhiều nguyên do, trong đó có vấn đề hoàn cảnh gia đình, trẻ bị xâm hại tình dục và đặc biệt là câu chuyện giáo dục giới tính chưa hiệu quả, chưa thẳng, chưa thật.
Giáo viên, cha mẹ vẫn còn quá nhiều e ngại và xấu hổ khi nói về cơ thể. Nhiều giáo viên không dám gọi đúng tên bộ phận sinh dục, không thể giảng giải hành vi tình dục một cách khoa học, khách quan cho học sinh của mình.
Thay vì nói rõ ràng, họ chọn cách lảng tránh, dùng những cụm từ mơ hồ như "vùng kín", "vùng riêng tư", "bộ phận nhạy cảm"… khiến trẻ không hiểu chính xác mình cần bảo vệ điều gì, mù mờ về cơ thể mình. Trong khi đó, chúng ta đang sống trong một xã hội hiện đại, trẻ em tiếp xúc với rất nhiều luồng thông tin.
Khi trẻ không thể gọi tên điều cần bảo vệ, làm sao các em có thể nhận biết đâu là xâm hại, đâu là yêu đương lành mạnh? Nếu sự né tránh này trong giáo dục giới tính vẫn còn tiếp diễn, vô hình trung, chúng ta đang tước đi cơ hội để các em có được chiếc "áo giáp" tự bảo vệ bản thân.
* Ông có nhắc về vấn đề xâm hại trẻ em. Xin ông chia sẻ thêm về thực trạng này?
Thạc sĩ Trần Minh Hải: Đây cũng là điều tôi lo lắng nhất khi nói tới vấn đề trẻ em mang thai. Hơn 30 năm làm công tác bảo vệ trẻ em, đến nay tôi đã tập huấn về phòng chống xâm hại tình dục cho hơn 10.000 trẻ khắp 30 tỉnh, thành và tôi nhận ra rằng, xâm hại tình dục là vấn đề gây tổn thương cho các em dai dẳng nhất.
Trong những năm qua, số liệu thống kê về các vụ xâm hại tình dục không hề giảm, thậm chí còn cao hơn so với những gì được công bố. Nhiều em không biết phải chia sẻ với ai và nếu có lên tiếng, các em cũng không chắc liệu điều mình nói có được tin tưởng hay không.
Đáng buồn hơn, trong không ít trường hợp, người gây ra hành vi xâm hại lại chính là người thân hoặc người quen của các em. Khi bị đặt vào tình huống phải lựa chọn giữa giữ im lặng để gia đình yên ổn hay nói ra và đối diện với sự hoài nghi, thì đa phần các em chọn cách im lặng. Những em bị xâm hại thường sống trong tâm trạng lo âu kéo dài, không dám nói ra vì sợ bị đổ lỗi, bị cô lập.
Tôi nhận thấy rằng những vùng sâu, vùng xa, việc này còn nặng nề hơn. Gia đình hầu như không có khái niệm về giáo dục giới tính, nhà trường thì thiếu nhân lực có chuyên môn, còn cộng đồng thì đầy định kiến. Chưa kể, vì thiếu hụt kiến thức giáo dục giới tính, các em còn chưa hiểu hết về những gì mình đang trải qua, như về các hành vi dâm ô, xâm hại.
Trong mỗi buổi truyền thông, tôi cung cấp cho các em những kiến thức cơ bản về xâm hại: xâm hại là gì, cách nhận biết dấu hiệu nguy hiểm, những đối tượng có thể xâm hại, kỹ năng phòng tránh và xử lý tình huống. Tôi luôn để điện thoại mở 24/7để khi lo lắng hay nghi ngờ, các em có thể gọi và được hỗ trợ ngay.
Như một trường hợp của một em học sinh lớp 7, sống tại một tỉnh miền Trung. Suốt 3 năm, em bị bạn thân của ba đụng chạm phần ngực, mông…mỗi khi ông ta đến nhà nhậu. Em im lặng, không dám nói với ai trong một thời gian dài.
Em liên lạc với tôi và kể lại câu chuyện. Em còn chia sẻ nếu không được học kiến thức về xâm hại thì em không biết hành vi mà bạn thân của ba thực hiện là sai trái. Sau đó, tôi đã khuyên em trao đổi với mẹ, rồi sau đó để hai mẹ con nói với ba. Khi biết chuyện, ba em liền cắt mối quan hệ với người bạn đó.
Trường hợp này cho thấy nếu chúng ta không ngăn ngừa từ sớm mà chỉ can thiệp khi sự việc xảy ra thì quá muộn màng.
Không thể cấm trẻ yêu nhau, nhưng có thể dạy trẻ cách yêu nhau an toàn
* Trên thực tế, trẻ em quen nhau và không ít cặp đôi quan hệ đồng thuận. Khi gia đình biết thì nên ứng xử ra sao?
Thạc sĩ Trần Minh Hải: Tôi nhớ có một người mẹ điện thoại cho tôi vào lúc 22 giờ, khóc liên tục khi biết con mình mới học lớp 7 đã quen bạn trai. Tôi đã khuyên người mẹ bình tĩnh lại và không nên la rầy, mắng chửi con. Bậc phụ huynh cần phải học cách làm bạn với con thì con mới dễ chia sẻ với mình.

Thạc sĩ Minh Hải trong một buổi truyền thông bảo vệ trẻ em tại Đồng Tháp
ẢNH: NVCC
Trẻ ngày nay phát triển nhanh cả về thể chất lẫn nhận thức. Ở vùng núi hay nông thôn, tôi thấy hầu như không còn quá nhiều khoảng cách về suy nghĩ, cách ăn mặc hay gì cả, vì các em đều giỏi công nghệ, cập nhật thông tin qua mạng rất nhanh.
Do đó, việc yêu sớm, quan hệ sớm không còn hiếm. Quan điểm của tôi là phụ huynh không nên và trên thực tế là không thể cấm các trẻ yêu nhau, quan hệ tình dục.
Vấn đề không nằm ở chuyện yêu, mà ở chỗ phải trang bị cho các em bước vào mối quan hệ một cách đúng và an toàn.
Tôi thường dạy các em một công thức đơn giản gọi là K - B - C. Trong đó, K là không quan hệ tình dục khi chưa đủ tuổi theo quy định của pháp luật. B là biết cách bảo vệ bản thân, chẳng hạn như sử dụng bao cao su hoặc các biện pháp tránh thai an toàn. C là chung thủy, nghĩa là xây dựng mối quan hệ nghiêm túc, không "thử nghiệm" với nhiều người vì có nguy cơ mắc bệnh rất cao.
Cần sự chung tay của toàn xã hội
* Đa số các trẻ mang thai sớm đều có hoàn cảnh gia đình khó khăn, thiếu vắng cha hoặc mẹ… Ông đánh giá sao về thực tế này?
Thạc sĩ Trần Minh Hải: Những em có nguy cơ cao mang thai, phá thai thường đến từ gia đình thiếu vắng cha, mẹ hoặc tuy đầy đủ về hình thức nhưng lại thiếu sự gắn kết về tinh thần.
Nhiều phụ huynh chỉ quen ra lệnh, cấm đoán, quát mắng mà không trò chuyện hay lắng nghe con. Khi không thể chia sẻ với người thân, các em thường tìm đến bạn trai hoặc bạn gái để giãi bày. Từ đó dễ phát sinh quan hệ không an toàn.
* Vậy thì câu chuyện này dẫn đến một quan điểm gây tranh cãi, đó là "cha mẹ nhắm nuôi được con, cho con hạnh phúc thì hẳn sinh ra". Ông đánh giá như thế nào về quan điểm này?
Thạc sĩ Trần Minh Hải: Tôi cũng tin trách nhiệm gia đình là rất lớn. Nhưng tôi không đồng tình với quan điểm nghèo là không xứng đáng làm cha mẹ.
Điều đáng nói ở đây không phải là cấm người nghèo sinh con, mà là nếu họ thiếu kiến thức và kỹ năng, thì ai sẽ giúp họ?
Đến đây thì phải đề cập tới vai trò của các hội, đoàn thể nhà nước và các tổ chức xã hội. Nên tôi thật sự đồng tình chủ trương nhà nước hiện nay đang làm, là tập trung nguồn lực về cấp xã cả, vì họ sát dân hơn ai hết.
Chúng ta cần một hệ thống nắm bắt hoàn cảnh của các gia đình, hỗ trợ họ thật sự hiệu quả, không nên thực hiện theo phong trào mà cần có chiều sâu.
Đoàn thanh niên, hội phụ nữ, các tổ chức tại địa phương… cần đồng hành cùng các bậc cha mẹ có hoàn cảnh khó khăn. Họ cần được hướng dẫn một cách cụ thể, từ cách làm bạn với con, cách nhận biết những dấu hiệu bất thường cho đến các kỹ năng cơ bản để bảo vệ con khỏi nguy cơ bị xâm hại.