Theo BS.CK2 Huỳnh Tấn Vũ, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM - Cơ sở 3, chanh là loại trái cây thuộc họ cam quýt phổ biến, trong đó phần nước và cùi được sử dụng nhiều nhất. Tuy nhiên, vỏ chanh - phần thường bị bỏ đi - lại chứa hàm lượng chất xơ, vitamin và chất chống oxy hóa cao, có thể hỗ trợ sức khỏe răng miệng, miễn dịch và tim mạch, thậm chí mang tiềm năng chống ung thư.
Vỏ chanh nếu kết hợp với các dược liệu lành tính sẽ trở thành những bài thuốc dân gian hữu hiệu.
Trong điều trị ho, có thể dùng vỏ và rễ cây chanh, kết hợp vỏ rễ cây dâu tằm, lá trắc bá, sao vàng rồi sắc lấy nước uống. Một cách khác là dùng vỏ chanh cùng lá chua me đất hoa vàng, lá hẹ, lá xương sông, hạt mướp đắng, phèn chua sắc lấy nước uống, có thể thêm chút đường để dễ uống.
Với bệnh đau răng, sâu răng, có thể dùng vỏ chanh tươi, vỏ cây lai, rễ cây cà dại, vỏ cây trám, sắc đặc rồi ngậm trong miệng khoảng 5-10 phút. Hỗn hợp này giúp làm dịu cơn đau và sát khuẩn vùng răng bị tổn thương.

Vỏ chanh thường bị bỏ đi nhưng nếu kết hợp đúng cách với các dược liệu lành tính có thể giúp chữa ho, giảm đau răng, nhức đầu và hỗ trợ điều trị viêm khớp. (Ảnh minh hoạ)
Trường hợp bị cảm cúm, nhức đầu, có thể xông hơi bằng hỗn hợp gồm vỏ và lá chanh, lá tre, lá bưởi, hương nhu, cúc tần, bạc hà, tỏi và sả. Khi nồi thuốc sôi tỏa mùi thơm, xông toàn thân để ra mồ hôi, giúp giải cảm.
Với bệnh viêm khớp, có nhiều cách ứng dụng vỏ chanh. Một là, ngâm vỏ chanh với lá bạch đàn và dầu ô liu trong hai tuần, sau đó thấm hỗn hợp vào vải sạch, đắp lên khớp bị đau qua đêm. Hai là, nấu vỏ chanh lấy nước uống, có thể pha thêm mật ong để giảm vị đắng. Ba là bào mỏng vỏ chanh, đắp trực tiếp lên khớp bị viêm, cố định bằng băng gạc trong vài giờ để giảm đau.
Dù có nhiều công dụng, nhưng không nên lạm dụng vỏ chanh. Theo chuyên gia, vỏ chanh chứa nhiều oxalat, chất khi đưa vào cơ thể sẽ chuyển hóa thành tinh thể cản trở hấp thụ canxi, dễ dẫn đến sỏi thận. Do đó, người dùng nên hỏi ý kiến bác sĩ để biết liều lượng phù hợp với thể trạng, tránh tác dụng phụ ngoài ý muốn.